“Việc học là một quá trình, không phải một sự kiện, đòi hỏi phải có động lực, có sự chuẩn bị, thực hành và phản hồi không ngừng.”
“Việc học diễn ra trong thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển đổi hoặc những thời điểm thử thách.”
“Việc học là trải nghiệm cá nhân. Mỗi cá nhân có cách thức học tập khác nhau và mức độ thử thách khi học khác nhau. Một phần nhiệm vụ của chúng tôi là giúp mọi người tìm ra phương pháp học tập của riêng họ, và từ đó thiết kế những trải nghiệm để gia tăng tốc độ phát triển cho học viên.”
“Việc học mang tính xã hội. Các Googlers sẽ cho chúng tôi biết khi họ gặp khó khăn trong vấn đề nào đó. Họ tìm đến đồng nghiệp để hỏi, trao đổi thông tin, nhận những lời khuyên và tìm kiếm sự ủng hộ.”
Đó là 4 trụ cột cốt lõi trong xây dựng triết lý học tập của Google – điều đã khiến cho Google trở thành một tấm gương trong xây dựng thành công văn hóa học tập trong tổ chức, góp phần đưa Google trở thành một đế chế như hiện nay. Vậy “văn hóa học tập” là gì mà có thể mang đến một sức mạnh to lớn đến vây?
Văn hóa học tập được định nghĩa là “văn hóa hỗ trợ tư duy cởi mở, tìm kiếm kiến thức độc lập và học tập chia sẻ hướng tới sứ mệnh và mục tiêu của tổ chức”. Văn hóa học tập đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực, giải quyết vấn đề hiệu quả, xây dựng thương hiệu mạnh và tăng cường tinh thần làm việc nhóm. Đây được đánh là một trong những yếu tố không thể thiếu để tổ chức đạt được sự thành công bền vững.
Dưới đây là một số cách để xây dựng văn hóa học tập bên trong tổ chức
1. Lãnh đạo đi đầu
Như mọi loại hình văn hóa khác, văn hóa học tập cũng đòi hỏi sự tham gia, đi đầu của lãnh đạo, những người sẽ không chỉ làm gương, thể hiện sự quan tâm đến việc học tập và phát triển bản thân bên trong tổ chức mà còn truyền cảm hứng cho nhân viên thông qua việc chia sẻ tầm nhìn, mục tiêu và giá trị của tổ chức. Cùng với đó, lãnh đạo cũng cần dành thêm nhiều nguồn lực cho các chương trình đào tạo và phát triển, điều đó chứng tỏ, doanh nghiệp đang quan tâm đến việc học tập và nâng cao năng lực bản thân.
2. Tạo môi trường học tập thuận lợi
Văn hóa học tập sẽ không thể hình thành và phát triển nếu doanh nghiệp không có một môi trường thuận lợi để nó thật sự phát triển. Hãy khuyến khích các chương trình chia sẻ kiến thức như Hội thảo, Workshop để nhân viên chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của bản thân đến tất cả mọi người.
Hãy đảm bảo nhân viên có đầy đủ tài liệu, công cụ và các công nghệ để hỗ trợ việc học tập hiệu quả hơn, điều này càng trở nên quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Bên cạnh đó, hãy tạo ra các nhóm học tập, các diễn đàn học tập để nhân viên trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau.
3. Đánh giá và khen thưởng
Không thể kích hoạt những thay đổi có chủ ý trong văn hóa của nhóm hoặc tổ chức trừ khi doanh nghiệp thực sự đưa ra các hệ thống khen thưởng chính thức để lôi kéo nhân viên. Thậm chí, không có gì đảm bảo doanh nghiệp sẽ đạt được sự thay đổi trừ khi phần thưởng có hiệu quả.
Hãy xây dựng hệ thống đánh giá để đo lường kết quả học tập của nhân viên. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động khen thưởng để động viên nhân viên, để họ có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn.
4. Liên kết học tập với công việc
“Học đi đôi với hành”. Hãy liên kết các hoạt động học tập với các dự án thực tế của tổ chức. Để từ đó tạo điều kiện để nhân viên áp dụng những kiến thức đã học vào công việc.
Khi thấy được sự đầu tư của tổ chức vào việc phát triển bản thân và thấy rõ kết quả của việc học tập, nhân viên sẽ cảm thấy hài lòng và gắn bó hơn với công ty. Cùng với đó, việc liên kết học tập với công việc giúp đảm bảo rằng kiến thức và kỹ năng được học là những gì nhân viên thực sự cần để hoàn thành công việc, từ đó giảm thiểu lãng phí nguồn lực.
5. Đào tạo và phát triển liên tục
Thị trường luôn biến động, công nghệ phát triển nhanh chóng. Đào tạo liên tục giúp nhân viên cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để thích ứng với những thay đổi đó. Khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, nhân viên sẽ tự tin hơn trong công việc, từ đó nâng cao hiệu suất làm việc và chất lượng sản phẩm.
Đào tạo và phát triển là con đường để nhân viên phát triển sự nghiệp, mở rộng cơ hội thăng tiến. Khi cảm thấy được tổ chức quan tâm và đầu tư, nhân viên sẽ có cảm giác gắn bó và trung thành hơn.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên đánh giá nhu cầu đào tạo của nhân viên và tổ chức. Xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp: Hỗ trợ nhân viên xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp.
6. Văn hóa cởi mở và đổi mới
Hãy tạo ra một môi trường làm việc, nơi nhân viên được khuyến khích đưa ra ý tưởng mới. Tạo ra một văn hóa nơi thất bại được xem như một cơ hội học hỏi. Trong một môi trường kinh doanh luôn biến động, khả năng thích ứng nhanh chóng là yếu tố quyết định. Văn hóa cởi mở giúp tổ chức linh hoạt thay đổi để bắt kịp xu hướng thị trường.
Khi nhân viên cảm thấy thoải mái để chia sẻ ý tưởng, họ sẽ tự tin đưa ra những giải pháp sáng tạo cho các vấn đề. Khi cảm thấy được khuyến khích đưa ra ý kiến và đóng góp, nhân viên sẽ có cảm giác được tham gia vào quá trình ra quyết định, từ đó làm việc hiệu quả hơn.
Tham khảo
Zavvy. How Google's Innovative Training and Development Programs Empower Employees