Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Văn hóa số - Chiếc chìa khóa vàng mở ra cách cửa chuyển đổi số cho các doanh nghiệp

Con người là yếu tố cốt lõi quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số. Dù có đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, nếu không xây dựng được một nền văn hóa số phù hợp, việc chuyển đổi số sẽ khó lòng đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi lẽ, công nghệ chỉ là công cụ, còn con người mới là người vận hành và tạo ra giá trị từ công nghệ đó.


Trong một khảo sát với 1.700 các lãnh đạo cao cấp, nhà quản lý và nhân viên tại hơn 340 doanh nghiệp tại 8 quốc gia có nền công nghệ phát triển bậc nhất năm 2017, có tới 62% những người được khảo sát nhận định văn hóa là rào cản số một trong chuyển đổi số.

Là một trong 3 trụ cột quan trọng của chuyển đổi số, văn hóa số sẽ là yếu tố giúp các doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực với tư duy đột phá sáng tạo, tạo ra các sáng kiến số đổi mới với khả năng thích ứng linh hoạt với thay đổi, đồng thời, sẵn sàng tiếp thu các phản hồi để biến chúng thành cơ hội mới, từ đó đưa doanh nghiệp bước lên vị thế cao hơn trên thị trường.

Văn hóa số là gì?

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới – World Economic Forum (WEF), văn hóa số là “văn hóa sử dụng các công cụ số và các thấu hiểu sâu sắc dựa trên dữ liệu để ra quyết định và hướng đến khách hàng làm trung tâm trong khi liên tục thúc đẩy hợp tác và đổi mới bên trong tổ chức”.

Văn hoá số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình hoạt động, vận hành. Công nghệ mới sẽ tác động và thay đổi cách thức liên kết trong và giữa các bộ phận, thay đổi niềm tin và thái độ của mỗi nhân sự đối với tổ chức chung. Từ đó, tạo nên các giá trị mới, các hành vi và ứng xử mới. Và đó chính là tiền đề của văn hóa số. Văn hóa số sẽ tạo ra bầu khí quyển để chuyển đổi số của doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ và hiệu quả.

Tầm quan trọng của văn hóa số

Con người là yếu tố cốt lõi quyết định thành bại của quá trình chuyển đổi số. Dù có đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ hiện đại, nếu không xây dựng được một nền văn hóa số phù hợp, việc chuyển đổi số sẽ khó lòng đạt được hiệu quả như mong đợi. Bởi lẽ, công nghệ chỉ là công cụ, còn con người mới là người vận hành và tạo ra giá trị từ công nghệ đó.

Văn hóa số phù hợp và mạnh mẽ sẽ tạo ra những tác động:

- Thúc đẩy khả năng tạo ra kết quả của nhân viên: Một nền văn hóa số phù hợp với quá trình chuyển đổi số sẽ thúc đẩy mạnh mẽ khả năng tạo ra kết quả của nhân viên theo các khía cạnh như: Tạo ra môi trường làm việc sáng tạo và đổi mới; Tăng cường sự hợp tác và cộng tác; Nâng cao năng suất lao động

- Giúp doanh nghiệp có tư duy đột phá, thích nghi với sự thay đổi: Trong văn hóa số, doanh nghiệp sẽ hình thành một đội ngũ nhân sự có những phẩm chất nổi bật như tư duy sáng tạo, khả năng đề xuất ý tưởng mới, linh hoạt và sẵn sàng thích nghi với sự thay đổi trong tổ chức

- Tác động bền vững đến các bên liên quan: Văn hóa số không chỉ đóng vai trò như một yếu tố hỗ trợ mà còn là nguồn động lực nội tại, thúc đẩy mọi thành viên trong tổ chức hướng tới những mục tiêu bền vững. Nó tạo ra một môi trường khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến và sáng tạo giải pháp. Kích thích đổi mới và hướng dẫn đến việc phát triển các sáng kiến tích hợp, góp phần chuyển đổi số doanh nghiệp và tạo ra tác động tích cực cho các bên liên quan.

Văn hóa số khác gì văn hóa truyền thống?

Xét trên 3 khía cạnh: Khách hàng và nhu cầu, Mô hình tổ chức và Cách thức làm việc, Strategy& – một đơn vị thuộc PwC đã chỉ ra sự khác biệt của văn hóa số và văn hóa truyền thống

Khía cạnh

Văn hóa số

Văn hóa truyền thống

Khách hàng & nhu cầu

Lấy ý tưởng từ thị trường
Dẫn dắt bởi yêu cầu của khách hàng

Đưa sản phẩm ra thị trường
Dẫn dắt bởi mua hàng và cung ứng

Tổ chức

Ít thứ bậc, quyết định nhanh
Định hướng bởi sản phẩm và kết quả
Trao quyền cho đội ngũ nhân viên

Nhiều thứ bậc, quyết định chậm
Định hướng bởi quy trình và nhiệm vụ
Nhiệm vụ được xác định rõ chứ không trao quyền

Cách thức hoạt động

Hiểu nhu cầu của công dân số và cách tiếp cận những xu hướng mới
Thiên hướng cải tiến, đổi mới và không chấp nhận sự ràng buộc
Đề cao tiềm năng, động lực, cảm hứng, sự linh hoạt và khả năng thích ứng với mọi sự thay đổi

Hiểu nhu cầu của các khách hàng truyền thống và cách tiếp cận họ

Duy trì sự ổn định, học hỏi từ kinh nghiệm và chấp nhận sự ràng buộc

Đề cao kinh nghiệm, sự ổn định

Làm việc theo phòng ban, cách biệt giữa các bộ phận

Lộ trình thăng tiến được đặt ra sẵn, ít có tính linh hoạt

Tập trung vào việc lập kế hoạch và tối ưu hóa


Các đặc trưng của văn hóa số dưới góc nhìn của các chuyên gia thế giới

Capgemini (2017)


Dựa trên các kết quả nghiên cứu, trong báo cáo “The Digital Culture Challenge: Closing the Employee-Leadership Gap” (Thử thách Văn hóa số: Thu hẹp khoảng cách giữa nhân viên và lãnh đạo) công bố năm 2017, Capgemini đã đưa ra 7 đặc tính quan trọng của Văn hóa số, bao gồm:

- Lấy khách hàng làm trung tâm: Sử dụng các giải pháp công nghệ để chuyển đổi trải nghiệm tích cực cho khách hàng.

- Đổi mới: Khuyến khích những hành vi ủng hộ suy nghĩ đột phá, khám phá các ý tưởng mới, chấp nhận mạo hiểm.

- Quyết định dựa trên dữ liệu: Sử dụng dữ liệu và phân tích để đưa ra quyết định kinh doanh tốt hơn.

- Hợp tác: Tạo ra các team liên kết giữa các phòng ban, bộ phận chuyên môn tối ưu hóa.

- Văn hóa mở: Khả năng hợp tác với mạng lưới bên ngoài (nhà cung cấp, doanh nghiệp start up, khách hàng…).

- Tư duy số trước tiên: Coi các giải pháp số là mặc nhiên.

- Linh hoạt và nhạy bén: Tốc độ, sự linh hoạt trong việc ra quyết định; Khả năng đáp ứng của tổ chức trước các yêu cầu thay đổi và công nghệ mới.

Capgemini (2019)

Kế thừa từ kết quả năm 2017, Capgemini đã đưa ra 8 đặc tính thường thấy ở các doanh nghiệp thúc đẩy Văn hóa số trong báo cáo “Culture First- How your business benefits from a digital culture change”.

- Hướng tới khách hàng: Khách hàng là trung tâm của mọi suy nghĩ và hoạt động. Tạo mối quan hệ chặt chẽ và cá nhân hóa với khách hàng. Sử dụng các giải pháp số để cùng phát triển và không ngừng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

- Đổi mới học tập: Coi sự phát triển của cá nhân và tập thể là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích thử nghiệm những ý tưởng mới và sẵn sàng đương đầu với thách thức mới. Cởi mở với thất bại và chú trọng quá trình học hỏi.

- Hợp tác: Sử dụng các công nghệ và nền tảng số để thúc đẩy trao đổi cởi mở và tích cực phối hợp liên ngành, liên bộ phận giữa nhân viên, khách hàng và doanh nghiệp.

- Linh hoạt thích ứng: Sẵn sàng thích ứng nhanh chóng với các thay đổi. Khả năng điều chỉnh linh hoạt các quy trình và mô hình làm việc để đáp ứng các điều kiện mới.

- Tư duy khởi nghiệp: Xu hướng thị trường được tích hợp và cập nhật liên tục vào mô hình kinh doanh. Khuyến khích và trao quyền cho nhân viên để phát triển các ý tưởng mới. Biến sự cạnh tranh thành nguồn động lực và tạo ra sáng kiến.

- Lãnh đạo số: Truyền đạt tầm nhìn và chiến lược số rõ ràng tới nhân viên, hỗ trợ họ phát triển bằng cách trao quyền. Khả năng khai thác và sử dụng các công cụ, giải pháp số để loại bỏ các hạn chế khi làm việc nhóm.

- Công nghệ & quy trình số: Sử dụng các công cụ và nền tảng số để phát triển và cải tiến hiệu quả các quy trình bên trong và bên ngoài. Các quyết định được đưa ra trên cơ sở dữ liệu. Cởi mở với các công nghệ mới làm cơ sở cho các mô hình kinh doanh hướng tới tương lai.

- Trao quyền: Cơ cấu nội bộ hỗ trợ và khuyến khích tính độc lập, sáng kiến cá nhân và khả năng tự quản lý của nhân viên. Nhân viên có khả năng tự đưa ra quyết định và tự chủ cao.

Diễn đàn kinh tế thế giới – WEF (2021)

Theo tài liệu “Digital Culture: The Driving Force of Digital Transformation” được WEF xuất bản năm 2021, để các một tổ chức chuyển đổi số thành công, văn hóa số cần phải được phát triển dựa trên bốn thành tố là: Hợp tác, Định hướng dữ liệu, Khách hàng là trung tâm và Đổi mới.

- Khách hàng là trung tâm: Tạo ra những trải nghiệm tích cực cho khách hàng thông qua sản phẩm, dịch vụ và các mối quan hệ.

- Định hướng dữ liệu: Sử dụng dữ liệu để ra quyết định với sự hỗ trợ của công nghệ.

- Đổi mới: Xây dựng và liên tục cải tiến sản phẩm, quy trình; chấp nhận rủi ro và thử nghiệm các sáng kiến mới.

- Hợp tác: Hợp tác liên phòng ban trong tổ chức và với các đối tác trong hệ sinh thái để cùng tạo ra các giải pháp đột phá.

Văn hóa số không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà còn là yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Nó là chìa khóa để doanh nghiệp thích ứng với sự biến động của thị trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững và mở ra những cơ hội phát triển mới.

Tham khảo

Capgemini. The Digital Culture Challenge: Closing the Employee-Leadership Gap

Capgemini. Culture First- How your business benefits from a digital culture change

WEF. Digital Culture: The Driving Force of Digital Transformation

Blue C. Xây dựng Văn hóa số thúc đẩy Chuyển đổi số thành công

Quảng cáo dưới