Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

[GIỚI THIỆU DIỄN GIẢ SÂU SẮC 2024] Mr. Hùng Vũ

Sâu Sắc năm nay, không chỉ tập trung vào những tham luận "cổ điển" với chuyên môn sâu về văn hoá doanh nghiệp và truyền thông nội bộ, BTC còn khai thác những góc cạnh rất khác, rất sâu và rất sắc, mà nếu không có những chuyên gia thực thụ trong ngành chỉ ra, có lẽ không bao giờ mình thấu tỏ và đặt ra những mối liên kết rõ ràng cho được.

Xin trân trọng giới thiệu anh Hùng Vũ, một nhà thiết kế game và giải pháp gamification với 10 năm kinh nghiệm. Anh Hùng là một trong những gạo cội của cộng đồng thiết kế game miền Bắc với nhiều thành tựu lớn cùng những tựa game cực kì ăn khách. Anh là dịch giả của 3 cuốn sách về thiết kế game đầu tiên tại VN (Nghệ thuật thiết kế Game của Jesse Schell, Thiết kế Game nâng cao của Michael Sellers và Thiết kế Game: Cảm nhận & Tương tác của Steve Swink).


Ủa khoan… Nhưng game thì liên quan gì tới VHDN và TTNB nhỉ? Hay ý nói đến game team-building bãi biển à? Vụ này rành quá rồi, thậm chí đã có phần lỗi thời, còn gì đâu mà nói?

Thì thế mới cần chuyên gia đó, khi hiểu đủ sâu về một vấn đề, chúng ta có thể dùng những khía cạnh sắc sảo nhất của mảng đó để xử lý rất rất nhiều vấn đề khác, mà thoạt nghe tưởng chừng như ít liên quan.

Xin được kể câu chuyện về game của cá nhân tôi thay cho lời dẫn nhập:

Tôi không hay chơi game. Hồi trẻ trâu, lâu lâu cũng có bùng học đi đá PES, hay cày Football Manager xuyên đêm chủ yếu vì thích đá bóng. Nhưng những trò mà anh em nào cũng chơi thời đó như Half-life, Đế chế, Dota…, là những món mà tôi chưa từng đăng nhập lần nào. Hồi đó cũng tinh tướng, hay bỉ bôi kiểu: "Dăm ba bọn chơi game là vớ vẩn, tốn thời gian…" Cầm quyển sách lên giả vờ đọc trông có vẻ nguy hiểm hơn nhiều…

Ấy thế nhưng tôi đã cày Duolingo đến hôm nay đã được 1300 ngày streak. Tôi đã check-in Lazada liên tục để tưới cây nhận gạo, hay nhận xu miễn phí trong suốt cả năm trời… Giật mình nhìn lại, thứ làm tôi miệt mài hàng năm trời như vậy, không phải là niềm yêu thích ngoại ngữ hay nhu cầu mua sắm online.

ĐÓ CHÍNH LÀ GAME!

Những game được thiết kế rất khéo dù thoạt nhìn rất đơn giản, lồng ghép vào chính nhu cầu sơ khởi khi tải những app-không-phải-game như Duolingo - học ngoại ngữ miễn phí, hay Lazada - tiết kiệm đôi chút khi mua sắm online.

Nếu không có hệ thống streak và điểm kinh nghiệm (XP) trong Duolingo, có thể tôi sẽ từ bỏ app sau đâu đó vài tháng, khi đã biên biết cách phát âm của một ngôn ngữ mới. Nếu ko có hệ thống nhiệm vụ phải hoàn thành mỗi ngày, số xu tích luỹ tăng dần, đặc biệt trong các sự kiện sale ngày đôi (VD 6.6, 9.9, 11.11…) thì tôi cũng không mua lắm đồ vớ vẩn trên Lazada đến thế.

Thiết kế game là tổng hoà của nghệ thuật kể chuyện, mỹ thuật tạo hình và tâm lý học.

Nếu bạn thực sự hiểu được động lực nào đã thôi thúc người ta chơi game, tính gây nghiện của game có ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống mỗi người, bạn sẽ hiểu nguồn gốc của những hành vi kì quặc mà bền bỉ như tôi đã làm với Duolingo và Lazada. Có ảnh hưởng là tiêu cực (mua sắm online vô tội vạ), có những ảnh hưởng tích cực (học ngoại ngữ mỗi ngày), nhưng tựu trung, đều là sự gắn kết cực kì lâu dài do nắm bắt đúng nhu cầu.

Bạn có muốn CBNV đơn vị mình cũng “nghiện” doanh nghiệp như cách Duolingo đã gắn bó với tôi (4 năm, nhiều hơn bất kì DN nào tôi đã từng làm)? Khen thưởng thôi đã đủ chưa? Lâu lâu sếp tổng lên làm một bài “truyền cảm hứng” liệu có ổn không? VHDN bạn đang game hoá động lực của CBNV đúng cách chưa?

Quảng cáo dưới