Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Bàn về TTNB (Kỳ 5): Thế nào là một Senior?

Trong serie “Bàn về TTNB”, 3 bài đầu tiên Híu viết cho những fresher trong tay cái nịt cũng chẳng có, những junior “chiếu mới” với ít hơn 2 năm kinh nghiệm trong nghề TTNB. Từ bài thứ 4, Híu hướng tới những bạn đã trải qua những năm đầu “tuổi hồng thơ ngây” trong nghề, và đang từng bước (hoặc đã) được gọi là “senior”. Có thể còn nhiều câu chữ chủ quan, hoặc quá trực diện, mong anh chị em thông cảm bỏ quá. Enjoy reading nha ^^


Bài trước có vẻ làm anh em hơi hoang mang mới hàng loạt câu hỏi như: Nghề IC khó thế cơ à? Đường đi của nghề này gập ghềnh đến mức nào? Và bao giờ mới thành một “senior” trong nghề được? Bài lần này Híu cố gắng giãi bài chi tiết hơn xíu. Bài dự kiến dài, tầm ba ngàn chữ, anh em có thời gian thì cố đọc, chưa chắc đã ... đúng đâu ạ .

TRƯỚC HẾT, THẾ NÀO LÀ MỘT SENIOR?

Title senior nghe có vẻ cũng “uy tín”, nhờ? Khi gắn với chức danh, ta thường hình dung tới một người đã có khả năng chuyên môn vững vàng, có hiểu biết sâu, rộng trong nghề cũng như đã có kha khá kinh nghiệm trận mạc xương máu. Quá trình này cần thời gian, tùy doanh nghiệp (DN), cũng tùy theo cách hiểu, có những mốc như 2 năm, 3 năm, 5 năm…, để một junior lần lượt thể hiện mình qua những bước nhảy vọt cả về năng lực chuyên môn, lẫn trau dồi cá tính bản thể, trở thành một senior đích thực.

Với người nhanh nhẹn, hiệu suất cao, tư duy mạch lạc có khi chỉ cần 1, 2 năm để lướt qua toàn bộ những bước nhảy ấy. Nhưng cũng có những anh em, dù có thể đã mang danh senior với số năm kinh nghiệm dăm năm có lẻ, nhưng thực tâm vẫn chưa dám tự tin với cái title này trong chức danh mình (dù bề ngoài có vẻ ngược lại).

**Hãy phân biệt giữa “số năm kinh nghiệm” và “kinh nghiệm làm việc”. **Trong TTNB, nếu DN bạn năm này qua năm khác chỉ làm đi làm lại các sự kiện định kì như 8/3, 1/6, Trung thu, sinh nhật sếp, Year End’s Party… với quy mô vài ba trăm CBNV, thì dù công tác cả chục năm bạn cũng chỉ có thể làm được những việc đó. Nếu không tự mình xây dựng những thứ như sổ tay văn hóa, code of conduct nội bộ, viết báo tuần, in tạp chí năm, phần nào tham gia vào training & development hay employer branding…, thì bạn vẫn chỉ là "chiếu mới" trong mảng đó mà thôi. Khi DN chuyển hướng hoạt động, hoặc khi bạn sang nơi khác công tác, dù có trong tay số năm kinh nghiệm nhiều hơn số ngón trên (cả 2) bàn tay, bạn vẫn sẽ ngợp nếu được giao quản lý và thực thi những mảng việc này.

Thật vậy, “số năm kinh nghiệm” chỉ đơn giản là một con số, trong khi “kinh nghiệm làm việc” mới thực sự là những thứ tạo nên con người và giá trị của bạn trong DN. Đường trở thành một senior chất, ngành nào cũng vậy chứ không chỉ riêng TTNB, không chỉ đơn giản là “làm lâu lên lão làng”. Làm thế nào để trở thành một senior thực thụ? Có cách nào rút ngắn “số năm kinh nghiệm” để nhanh chóng convert thành “kinh nghiệm làm việc” trong nghề?

TRÁCH NHIỆM, TRÁCH NHIỆM, VÀ TRÁCH NHIỆM!

Rõ ràng, trách nhiệm là thứ không thể lảng tránh khi bạn muốn trở thành senior. Thứ khiến các junior “bất phục” sếp mình nhất chính là thiếu trách nhiệm. Là một senior, ở vai trò lĩnh xướng và quản lý, thành công đôi ba job có thể do may mắn, phong độ... nhưng nếu muốn công việc trôi chảy liên tục, không thể hi vọng mọi chuyện sẽ tự nhiên đâu khắc vào đó nếu bạn không đặt trách nhiệm cá nhân của mình ở level cao hơn tất thảy những gì người khác mong đợi.

Đương nhiên rồi, bạn phải có trách nhiệm cao nhất với chất lượng mỗi project, mỗi mảng việc bạn đảm nhận. Nghĩa vụ của bạn là nỗ lực cao nhất để hoàn thành công việc được giao, bao gồm cả việc sắp xếp các nguồn lực (nhân sự, tiền bạc, thời gian) trong phạm vi của mình để chất lượng sản phẩm đầu ra của team (có thể là 1 sự kiện, 1 bài báo, 1 tuần san, 1 chương trình marketing tuyển dụng…) là tốt nhất trong giới hạn đó. Liên tục theo dõi, bám sát. Không ngại yêu cầu feedback từ nhân viên, đồng nghiệp, không chần chừ khi phải support nhóm này tổ kia trong phạm vi quyền hạn. Đừng để project trôi qua mà không nắm rõ tiến độ và chất lượng cụ thể.

Bạn đã quá mệt mỏi với câu “Em tưởng…” của nhân viên thì cũng đừng liên tục “Ủa em…” với cấp dưới (và cả đối tác, agency, vendor… nữa nhé). Làm TTNB, ngay chính trong team mình, hơn ai hết các bạn cần một sự liên lạc thống nhất, rõ ràng, xuyên suốt và thiện chí. Team nhỏ việc đó làm không xong thì nói gì “nội bộ” cho cả DN ngàn người, phỏng ạ?

Ở mức độ cao hơn, bạn còn cần phải thể hiện trách nhiệm với nhiều thứ hơn thế. Ví dụ như trách nhiệm với đồng đội.

Đừng nghiễm nhiên yêu cầu nhân viên cấp dưới overtime liên tục ngày này qua tháng khác để hoàn thành công việc chung. Đành rằng có những thứ là chẳng đặng đừng, nhưng hãy hạn chế lại. Ai mà chả có gia đình, bạn bè, người yêu và những thú vui giải trí khác. Làm sao sắp xếp hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực (thời gian, vật chất, tài nguyên) cho cả team, mới xứng đáng là một senior đáng nể.

Đồng đội, cấp dưới của bạn gặp khó khăn một lần, hai lần, hãy giúp đỡ. Vô tư và đừng phán xét. Nhưng nếu việc này xảy ra liên tục, bạn hãy xem lại chính mình có cần sự giúp đỡ của ai đó cao hơn không? Hay thực sự bạn không đủ trách nhiệm để đảm nhận vị trí này? Hãy chủ động hơn trong việc giúp đỡ teammate, thậm chí ở phạm vi rộng hơn nữa nếu có điều kiện. CBNV phòng ban khác trong DN, hay cộng đồng nghề nghiệp của mình (như ICC nè) … đều là những tập hợp sẵn sàng lắng nghe bạn truyền đạt lại kinh nghiệm của mình với sự thấu hiểu, trân trọng và lòng biết ơn sâu sắc nhất. Không chỉ giúp đỡ được người khác, việc này còn củng cố lại kiến thức của chính mình, cũng như tạo dựng lòng tin lớn hơn trong lòng đồng nghiệp và đối tác. Mưa dần thấm lâu, cả team cùng tốt lên thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều, nhỉ?

Đây cũng là cách các junior, các fresher nhận ra leader của mình có thực sự là một sếp tốt hay không? Sếp tốt khi bạn gặp rắc rối sẽ giơ tay ra giúp. Sếp xuất sắc sẽ không đợi đến lúc ấy. Còn sếp tồi? Sẽ chỉ chờ thời điểm đó để đổ trách nhiệm bản thân lên vai bạn. Dí tốt hết cờ, end game ván mới.

NẾU MỌI VIỆC KHÔNG ỔN THÌ SAO?

Không phải job nào team cũng có thể hoàn thành tốt, dù cho với TTNB, đặc biệt ở mảng sự kiện, chỉ cần ở dưới mức “xuất sắc” thôi, đôi lúc đã có nghĩa là failed rồi.

Cái này chắc nhiều người đồng cảm lắm. Không thiếu những sự kiện lung linh chói lòa, sếp tổng lên phát biểu cười te tởn, xuống xem văn nghệ vỗ tay đôm đốp, nhưng sau sự kiện đôi ba thành viên post vài comment tiêu cực lên Workplace, Facebook … Không kịp ngăn chặn gỡ rối, mọi thứ tự nhiên bung bét một cách rất phi lý, và thành quả cả team đổ sông đổ bể … (Cay!)

Trước hết bạn cần hiểu rõ, ngành nào cũng thế thôi, với DN thứ quan trọng nhất cuối cùng chính là lợi nhuận DN. Ai cũng biết làm Year End Party ở Six Senses Ninh Vân thì ngon hơn ở Sông Hồng Resort. Chương trình lúc ấy chả cần làm gì, có khi nhân viên cũng cảm thấy gắn kết như sam, auto post bài khen sếp tổng sếp hiệu tâm lý này nọ, thấu hiểu nhân viên. Bạn phụ trách TTNB, công ty đối thủ vừa tổ chức sinh nhật công ty ở Sun group, thì bạn cũng phải làm cái tương tự ở Vinpearl trong khi Covid vừa rồi DN tăng trưởng âm?

Không! Bạn phải biết đâu là giới hạn của mình (và DN mình). Thứ bạn có thể mang lại là phương án tốt nhất trong giới hạn nguồn lực. Thế mới nói, chỉ có cái phù hợp nhất, không có cái hay nhất, đắt nhất, sang trọng nhất… Đừng bị cuốn vào những giải pháp tốn kém, những quy trình phức tạp, những đối tác sang chảnh … chỉ để đánh bóng thương hiệu bản thân (chứ ko phải DN). Với nghề này, bạn chỉ có thể nâng tầm cá nhân bằng cách tạo ra giá trị thực sự cho người nuôi mình (DN), và khách hàng của mình (CBNV trong DN ấy).

Nói cho cùng, TTNB hay VHDN là mảng chuyên đi tiêu tiền trong ngắn hạn (thể hiện qua sự kiện, quà tặng, phúc lợi…), để mong thu lại lợi nhuận trong dài hạn (gắn kết của CBNV, qua đó tiết kiệm được chi phí tuyển dụng, đào tạo mới, nâng cao năng lực CBNV…). Bạn sẽ an toàn và hạnh phúc nếu bạn luôn tạo được tài khoản dương trong phép cân bằng trên. Ngược lại thì…

ĐỪNG NGẠI RỦI RO, CHỚ VÒNG VO ĐỔ LỖI

TTNB nghiệt ngã ở chỗ, nghề này … có tuổi. So sánh với một chị kế toán bình thường. Những ngày đầu tiên, chị ấy cũng chỉ nhận lương dăm bảy triệu. Nếu ổn định (không sai sót nhiều, nhưng cũng không cần quá xuất sắc), mỗi năm chị ấy có thể đều đặn được tăng 5-15%. Nhưng chị ấy có thể yên ổn làm đúng 1 vị trí này, không cần được thăng chức đến năm 60 tuổi rồi nghỉ hưu. Sự nghiệp yên ổn, thời gian cố định, chăm lo được cho gia đình. Càng lâu năm, chế độ (bảo hiểm, ngày phép, lương thâm niên…) lại càng tốt lên, và đảm bảo cho chị một cuộc sống ổn định về lâu về dài.

Nghề TTNB không có được cái may mắn ấy. Đặc thù là mảng việc chuyên đi tiêu tiền của DN để mang lại cái sướng cho CBNV, bạn không thể coi là “hoàn thành” nếu các sự kiện của bạn không được đánh giá là xuất sắc, là đã, là sướng… Thường thì, bạn phải làm mọi thứ vượt mức mong đợi, với sự sáng tạo và đổi mới liên tục cùng những deadline sát sàn sạt, mới được coi là ổn.

Tuổi trẻ trôi qua, ý tưởng và chất xám chưa cạn kiệt nhưng phần nào đã chai mòn, chậm chạp. Những chương trình bạn đưa ra đã không còn được tán thưởng nhiều nữa, CBNV đã quá quen bài vở cũ, gương mặt cũ. Lương tăng lên, nhưng vị trí thì bấp bênh hơn. Đúng, bạn không thể đứng yên trong nghề này mà tồn tại được. Tôi chưa từng thấy chuyên viên TTNB nào yên vị một chỗ trong suốt 10 năm cả, chứ chưa nói đến việc yên tâm công tác đến lúc “về hưu”. Nếu không thăng chức, hoặc tạo ra được những giá trị đặc biệt, bạn chắc chắn sẽ bị đào thải khi bắt đầu đi qua ngưỡng tuổi 30.

BẠN CHẤP NHẬN RỦI RO ĐÓ, HAY ĐÃ SẴN SÀNG ĐỐI MẶT VỚI NÓ RỒI NÀO?

Hãy chuẩn bị sẵn sàng cho rủi ro, từ những sự cố ngoài ý muốn nho nhỏ khi làm chương trình đến những thay đổi bất thường mang tầm quốc tế như Covid. Và đương nhiên rồi, cả rủi ro lớn nhất, khi bạn có thể bị đào thải ở chính vị trí mình đang đứng…

Với những sự cố be bé, những trục trặc không may trong quá trình làm việc, hãy bình thản. Đừng đổ lỗi cho ai khác, mà hãy nhanh chóng tìm cách khắc phục và tiến lên. Rút kinh nghiệm ngay sau khi xử lý xong hậu quả, ghi lại vào sổ bài học đó và đừng lặp lại lần nữa. Hãy nhắc lại sai sót đó liên tục về sau trong tâm trí mình, trong những bài chia sẻ nội bộ cho đồng nghiệp, đối tác.

Một bí quyết của những senior kinh nghiệm để bình thản đối diện với những sự cố ấy, đó là phải chuẩn bị thật tốt từ trước đó, và mạnh dạn nói không với những rủi ro tiềm ẩn. Nếu bạn không chuẩn bị đủ tốt, hãy dũng cảm nhận sai. Còn nếu bạn đã làm mọi cách, mà sự cố vẫn tới, nó là ý trời rồi, trách mình cũng không nổi thì còn gì nữa đâu ngoài việc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Vui lên thôi chứ nhỉ?

Ngoài chuyện luôn chuẩn bị sẵn sàng, biết khi nào mình sai (và nhận lỗi), một nghệ thuật nữa của những senior bản lĩnh, ấy là biết cách từ chối. Ở ICC lâu, Hiếu biết nhiều bạn nghiện công việc ghê lắm. Hiếu yêu quý và trân trọng ngọn lửa đam mê hừng hực trong những dòng comment, chia sẻ của các bạn. Nhưng thỉnh thoảng, hãy dành cho mình đôi ngày nghỉ ngơi, để có thời gian mà ngẫm nghĩ, đánh giá. Đừng mù quáng làm mọi việc bằng mọi giá. Nếu muốn trở thành một senior tốt, một quản lý thực thụ, hãy tập làm chậm lại khi bắt buộc, và đặt những câu hỏi tại sao đúng lúc.

Hãy mạnh dạn nói không với những đề xuất nhảm nhí (kể cả của sếp lớn). Hãy tự tin say "Méo" với những góp ý thiếu thiện chí của một vài bộ phận ít liên quan. Đừng cố làm hài lòng tất cả mọi người, vì không bao giờ bạn làm được đâu, nhất là với nghề TTNB.

Nói “có” với những việc không cần thiết, tức là bạn đang nói “không” với những thứ quan trọng hơn (thời gian và công sức của team mình). Nhưng như thế không có nghĩa là bạn được phép “khư khư giữ của” cho team mình, và từ chối hết những việc có vẻ như không liên quan khác.

Khi bạn nói không, hãy đảm bảo lời từ chối ấy được giải thích rõ ràng bằng một giải pháp phù hợp hơn, hoặc một lý do chính đáng, nếu không muốn mọi người con bạn là một kẻ trốn việc – điều chẳng còn gì tệ hơn với 1 người làm TTNB, vốn còn hay được coi là “vác tù và hàng tổng”. Bởi vậy, hãy tỉnh táo, và luôn cân nhắc vô cùng cần trọng mỗi khi trả lời câu hỏi Yes/No này nhé.

IC, VÀ RỒI GÌ NỮA?

Rủi ro lớn nhất của TTNB, ấy là bị đào thải khỏi nghề khi “quá tuổi”. Khởi đầu với mức lương hẻo, công việc áp lực, overtime nhiều, cơ hội tăng lương, lên chức đều khá thấp. Đã vậy còn ít giải pháp add-on giá trị bản thân qua bằng cấp chính quy (quá ít nơi đào tạo chuẩn chỉnh những bằng cấp danh giá của ngành, nếu so với những mảng việc khác như bằng CFA, CDCS, bằng chứng khoán này nọ…). Cay nhất là, với một loạt những khó khăn như vậy, tuổi nghề lại cực ngắn. 27-28 với TTNB đã bị coi là "già", trong khi nhiều mảng khác, đây mới chỉ là thời điểm bắt đầu.

Nghe có vẻ làm cầu thủ bóng đá hay võ sỹ quyền anh còn ít áp lực hơn… Đúng vậy, bạn sẽ nhanh chóng chạm tới giới hạn của nghề này nếu bạn chỉ biết có mỗi “Truyền thông nội bộ” mà thôi. Đây là một nghề ít được đào tạo chuẩn mực từ những ngày đầu tiên, nên cho đến tận bây giờ, mỗi DN làm một phách. Finally thì đa số vẫn đang kiểu thông qua một luồng gió tươi trẻ, mang lại những phút giây thư giãn cho nhân viên, thúc đẩy không khí vui vẻ, nhiệt tình, khơi dậy lòng yêu tổ chức… rồi qua đó tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho chủ DN.

Nếu cứ làm những việc đấy, bạn sẽ khó giữ được lửa nghề khi bạn bước tới mốc 35, 40 tuổi. Cứ cuốn mãi đi, rồi sẽ chán, vì bạn biết, lắm lúc nụ cười của bạn lúc làm team-building là fake, câu thúc đẩy bạn vừa post hôm qua trên workplace DN không phải bạn viết tự tâm.

Thế làm thế nào bây giờ?

Híu xin nhắc lại “TTNB là nghề có tuổi” (ít nhất cho đến thời điểm này ở VN là vậy), và nếu muốn tiến xa, bạn phải làm được nhiều hơn chỉ mỗi việc TTNB ấy. Hãy bắt đầu tìm hiểu những từ khóa của mảng việc rất gần với TTNB như CC (Corporate Culture), EB (Employer Branding), RM (Recruitment Marketing), T&D (Training & Development), C&B (Compensation & Benefit)…

Và ICC sẽ quay lại, sớm thôi với 1 bài viết mới, 1 tay viết mới để giúp các bạn nhìn rõ hơn hướng đi “Hậu IC” nên như thế nào nhé.

Chào thân ái và quyết thắng!

Quảng cáo dưới