Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Bàn về TTNB (Kỳ 4): Hoạn lộ nghề truyền thông nội bộ

Tháng 5 là tháng của tuyển dụng và nhảy việc. Mọi việc có vẻ khó khăn hơn trong năm nay do tình hình dịch khắc nghiệt hơn chúng ta nghĩ. Với ngành truyền thông nội bộ (TTNB) và văn hóa doanh nghiệp (VHDN), nhu cầu tuyển dụng nhân viên từ mức độ intern giúp việc cho đến lãnh đạo cao cấp đang mở rộng rất nhanh từ năm 2020. Tình trạng cung không đủ cầu đã nhìn thấy rõ trong năm 2021.


Lý do đầu tiên đến từ việc hai bên không gặp nhau ở các tiêu chí mong muốn. Hay gặp nhất là việc nhà tuyển dụng “tham lam”, yêu cầu quá nhiều thứ ở một chuyên viên truyền thông nội bộ (khoảng lương 8-12tr). Nào là am hiểu PR-truyền thông kèm theo kỹ năng viết lách xuất sắc, đương nhiên phải thành thạo marketing, FB ads, biết tổ chức và điều phối event. Chưa kể bạn ấy phải đảm nhiệm luôn graphic designer, thậm chí quay dựng video khi cần thiết (thực ra lúc nào cũng cần). Có những chiếc JD hết hồn này, trước hết đến từ sự yếu kém của HR, khi cá nhân người tuyển dụng còn chưa hiểu thế nào là TTNB và VHDN, copy mỗi nơi một tiêu chí và gộp hết vào tin tuyển dụng của mình, kèm theo mấy dòng dụ trẻ con như “môi trường trẻ trung, sếp thoải mái, lương theo năng lực, du lịch quanh năm …” và mong vớt được đâu đó 1 thanh niên nhanh nhẹn ham học hỏi, cái gì cũng thạo, mỗi thứ biết một chút. Sau đó thì DN cứ thế mang ra xài, không chỉ chất xám mà cả vật tư, tài sản của người lao động (máy quay, máy ảnh, laptop…)

Thực ra mong muốn hàng ngon bổ rẻ thế cũng không có gì sai, nhưng khó thôi. Hên xui, và nếu có may mắn vớt được 1 cháu như vậy, thì cháu ấy cũng sẽ nhanh chóng rời bỏ vị trí ấy để sang một DN khác có chế độ và cách thức tuyển dụng tốt hơn mà thôi.

Lý do thứ hai đến từ chữ “kinh nghiệm”, là thứ mà Hiếu sẽ bàn kĩ hơn sau đây.

Hoạn lộ của nghề TTNB khá gập ghềnh, mức lương trung bình nói thẳng ra là thấp so với nhiều mảng việc khác, kể cả ở những đơn vị vận hành đơn thuần, chứ chưa nói đến sale, hay những bộ phận mang lại doanh thu chủ lực cho DN. Mức thấp nhất bạn có thể nhận là không lương với các intern, kèm theo một con dấu xinh xinh làm kỉ niệm. Khi lên chính thức, mức lương cho những năm đầu tiên thường loanh quanh từ 5 đến dưới 10 triệu/tháng. Nếu bạn trẻ vừa ra trường, được làm những công việc thú vị như chạy sự kiện, tổ chức ăn chơi nhảy múa, đồng thời có đội nhóm ngon nghẻ vui vẻ để cộng tác thì mức lương này cũng không tệ.

**Rắc rối chỉ đến sau đó khoảng 2-3 năm. **Bạn đã xoay tua đến đôi ba chục sự kiện nội bộ, trao quà vinh danh cho cả trăm nhân viên, tổ chức sinh nhật cho các sếp tổng, sếp hiệu đến cả chục lần… Và bạn thấy mình đứng yên như vậy, không thể làm gì hơn được nữa. Lương nếu có được tăng thì chậm vô cùng, may mắn thì đều đặn 10%/năm, vừa đuổi kịp lạm phát nhưng không kịp với mức độ chi tiêu đã tăng nhanh (khi đó bạn có thể đã lập gia đình, hoặc bố mẹ đã kịp già …)

Bạn ái ngại nhìn lại những gì mình đã làm trong suốt mấy năm qua. Bạn có vẻ tự tin mình có chút kinh nghiệm trong việc tổ chức sự kiện nội bộ cũng như thấu hiểu tâm lý anh chị em CBNV. Bạn có thể đã được upgrade chức danh dạng như senior internal communication executive, IC specialist, thậm chí IC teamleader… Trong tay có thể đã có được đôi ba nhân viên dưới quyền, nhưng bạn thấy mọi việc vẫn cứ ảo ảo mơ hồ sao đó?

**Nếu lên đến teamleader, bạn có thể đã có thu nhập lên tới 20-30 triệu ở lứa tuổi 30. **Nhưng để tăng thu nhập gấp đôi con số đó sau 3-5 năm là ngoài tầm với. Bạn chỉ có thể đạt được điều này khi thăng chức, nhưng thông thường thì những người ngay trên bạn lại là những sếp rất “oách” như GĐ truyền thông, Trưởng ban nhân sự, Head of Marketing, thậm chí là CEO, COO … Đây đều là những vị trí yêu cầu bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm thực sự ở mảng nghề nghiệp ấy.

Tức là sao? Về lý thuyết, range lương tối đa cho nghề TTNB có thể lên tới vô cùng (vài trăm triệu/tháng cũng có), nhưng CHỈ DÀNH CHO những lãnh đạo cao cấp KIÊM NHIỆM thêm mảng này. Với người thuần túy chuyên môn, nếu vô cùng xuất sắc bạn có thể sẽ lọt 1% cán bộ nhận mức lương từ 60-80 tr, ở những tập đoàn lớn (trên 5000 nhân viên - ở VN cũng không có nhiều lắm đâu nha). Còn lại, khi đã có thu nhập loanh quanh mức 20-30 tr, bạn gần như đã đạt tới “cảnh giới” một người bình thường có thể vươn tới trong nghề.

Còn nếu không lên nổi được những vị trí ít nhất là teamleader sau 3 năm, rất có thể bạn sắp thất nghiệp vì bạn sắp già rồi, lương đã cao và không hào hứng làm thêm giờ như những em mới trẻ hơn mình 5-10 tuổi nữa. Lúc này, cơ hội nhảy việc của bạn cũng không nhiều bởi có thể NTD e ngại bạn “đã già”, dù mới chỉ 27-28 tuổi (nghề TTNB nó khắc nghiệt ở chỗ đó). Hoặc ngược lại, NTD ok, nhưng bạn lại không dễ dàng chấp nhận lại mức lương 8-10 triệu mình đã từng vui vẻ cống hiến overtime 30-40 giờ mỗi tháng những năm mới vào nghề.

VÀ NÀY, BẠN KHÔNG PHẢI THIỂU SỐ ĐÂU…

Khả năng cao nếu bạn thấy đồng cảm sâu sắc với câu chuyện Hiếu vừa chia sẻ, thì bạn đang mắc kẹt ở cái bẫy năng lực trung bình mà rất nhiều người mắc phải. Nói dễ hiểu hơn là làm lâu năm nhưng vẫn “thiếu kinh nghiệm”.

Đúng thế. Bởi giữa chức danh “senior” và bản lĩnh của một senior thực sự đâu đó vẫn còn độ vênh nhất định. Bạn đã làm hàng chục sự kiện, nhưng khi xem hòa nhạc bạn vẫn không hiểu tại sao ánh sáng của chương trình này lại ảo như vậy, kịch bản tại sao lại nhịp nhàng ăn khớp thế kia, agency nào đang đứng đằng sau, giá rổ thế nào. Bạn đã tổ chức teambuilding vô số lần, nhưng vẫn không thể hiểu bằng phương pháp nào những agency bạn hay cộng tác lại có thể đưa ra những concept thú vị đến vậy. Đôi lần bạn tự tổ chức, cóp nhặt mỗi nơi một chút từ những kinh nghiệm mà những đối tác cũ mang lại, thấy cũng “được đấy”. Nhận được lời khen ngợi, bạn xoa tay hài lòng nhưng sau đôi ba năm xem lại ảnh cũ, có khi bạn đang thầm xấu hổ với sản phẩm năm ấy mình làm ra… Cảm giác nó rất giống như bạn đã quen đi ăn và review những nhà hàng đẳng cấp, có thể tấm tắc món này hay món kia dở nhưng không thể nào tự tái hiện lại được, biến những món ăn ngon lành mình từng được ăn đó thành sở hữu của mình thay vì của chef…

Đúng, có thể bạn chưa “senior” lắm đâu… Và nếu chưa thực sự lĩnh hội đủ kinh nghiệm, cơ hội để bạn bật lên (ít nhất là về thu nhập) trong nghề này là không cao. Dù vẫn biết range lương khá hẻo, chỉ từ 5-30 triệu, nhưng nếu đã yêu nghề, tốt nhất mình nên vươn tới cái mốc 30 đấy càng sớm càng tốt, rồi học hỏi dần dần ở những level cao hơn để sẵn sàng vươn mình khi có cơ hội chứ. Phải không ạ?

Hoang mang? Cũng bình thường thôi, vì ICC được thành lập để giúp chính những người như bạn. Nghĩ xem, thế nào là một senior thực thụ? Làm thế nào để trở thành 1 senior càng nhanh càng tốt, càng mạnh mẽ càng hay? Đợi kì sau nha

Quảng cáo dưới