Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Bàn về TTNB (Kỳ 3): Cường độ và nhịp độ

Bài này biên hơi lâu vì cuối năm nhiều việc quá. Xin được gửi anh em phần cuối trong serie Bàn về TTNB, nói về Cường độ và nhịp độ. Bài này không phân tích quá rạch ròi hay theo bất kì trình tự logic nào, chỉ đơn giản là chia sẻ dựa trên kinh nghiệm cá nhân của Híu. Như mọi khi Híu vẫn nói “Thấy đúng thì áp dụng chứ đừng tin cả ở Híu”.


Kì trước anh em đã hiểu sơ sơ sự quan trọng của nguồn lực và cách phân bố nguồn lực ấy trong DN. Khi đã hiểu định hướng, nắm rõ kế hoạch, với nguồn lực đã có, chia ra cả năm ta sẽ biết được từng mảng việc cường độ thực hiện ra sao, nhịp độ triển khai mau thưa thế nào? Cái gì cần làm ít, cái gì cần làm nhiều? Cái gì cần làm thường xuyên, liên tục, cái gì chỉ nên điểm xuyết cho vui. Cường độ và nhịp độ này có phù hợp với chế độ đãi ngộ của nhân sự không? Phù hợp thì tốt mà nếu không thì lí do là gì? Giải thích lí do đấy với CBNV ra sao?

Đó, mấy câu hỏi trên trong bài này Híu đều … **không **trả lời được, mà chỉ cố gắng đưa ra một góc nhìn để anh em đặt mình vào đó, rồi dần dần tìm được đáp án phù hợp với tình thế của DN anh em mà thôi.

NÀO, CHÚNG TA BẮT ĐẦU VỚI MỘT ĐỀ BÀI SIÊU ĐIỂN HÌNH. ANH EM LÀM TTNB CHẮC ĐÃ QUÁ RÕ CÁI LỊCH SAU:

Year End Party – Tết âm – Du xuân – 8/3 – Teambuilding 30/4 & 1/5 – 1/6 – Ngày hội gia đình – Trung thu – Teambuilding 2/9 – 20/10 – 20/11 – Noel – rồi lại Year End Party...

Dù nhịp độ này rõ ràng và đều đặn đến phát chán, năm nào cũng đúng những ngày như vậy rồi, nhưng cho Híu hỏi: Anh em nào ngay tại thời điểm này biết được 20/10 năm 2020 mình sẽ tặng gì, làm gì cho chị em trong DN, và có bao nhiêu tiền cho việc ấy? Bao nhiêu anh em đã mường tượng được big Idea của buổi Year End Party cuối năm sau, concept chủ đạo của lần team-building giữa năm tới… Cao thủ hơn, ai đã biết được nội dung của thông điệp trong buổi vinh danh tổng kết năm … 2022 rồi?

Cụ nào trả lời được chi tiết cả mấy câu hỏi trên, anh em ICC xin cứ quây chặt lấy, kính cẩn mời cụ ấy (cùng sếp của cụ ấy nữa) lên làm 1 buổi off du kích để chia sẻ cách lên kế hoạch hiệu quả. Thật sự luôn.

Giật mình đúng không? Trong khi anh em còn đang “chạy ăn” từng sự kiện, thì đã có người đã phải lập kế hoạch 5 năm, 10 năm rồi. Nếu anh em không nắm được cái kế hoạch này, hoặc anh em (cùng sếp của anh em) chỉ hiểu đơn giản kế hoạch 5 năm, 10 năm ấy nó chỉ tuần tự là “5 lần tổ chức 8/3, 10 lần làm Noel, 20 lần chơi teambuilding …” thì thôi, anh em nên chuyển nghề để HR tuyển mấy em thực tập sinh vừa xinh vừa rẻ vừa dễ bảo về làm cho hào hứng. Mắc công bày vẽ VDHN ra làm gì. Ha?

NÓ GIỐNG BUFFET VẬY THÔI

Thường bạn sẽ hào hứng trong đôi ba lần đầu, và mệt dần đều trong những lần tiếp theo. Là người phục vụ tiệc, có thể anh em vẫn chưa chán, vẫn nhìn thấy món tôm hùm hôm nay tươi quá, line BBQ dịp này nhiều thịt gấp đôi… và tự hào với đội lắc chảo nhà mình. Đơn giản bởi anh em cũng giống họ, được trả lương để làm việc này. Còn với CBNV, là thực khách, là người mất tiền (VHDN chả lấy từ một phần tiền lương ra thì từ đâu) để thưởng thức 30 bữa buffet ấy trong vòng 5 năm, 10 năm. Thử nghĩ xem họ hào hứng được nhiêu phần của anh em? Như tôi vốn thằng cũng phàm ăn, mà thật, lắm lúc trả gần một củ vào ăn buffet mà chỉ nhón đúng một củ (khoai) theo nghĩa đen. Đấy, “Ăn 1 củ trả 1 củ” hay “Được củ này bay củ khác”… là chuyện thật chứ chả chém.

Đến đây anh em lại hỏi. “Đấy, thế nên anh em băn khoăn chuyện sáng tạo là đúng rồi còn gì! Không đổi mới là mọi người chán ngayyyy.”

Không hẳn. Mình ăn cua bể tôm hùm tháng 1 lần thì được, chứ đâu thể ăn hàng ngày như cơm? Với truyền thông nội bộ, đều đặn quan trọng hơn là hấp dẫn. Anh em đừng lo sự kiện sắp tới mình làm đã đủ sáng tạo chưa? Cách triển khai chương trình như vậy có thú vị hay không? Quan trọng là anh em CÓ LÀM KHÔNG? Quan trọng hơn nữa là anh em có làm tử tế và ĐÚNG CÁCH hay không?

Không phải lúc nào cũng cần phải MỚI. Cách CŨ cũng tốt nếu nó vẫn hiệu quả. Thậm chí là tốt hơn việc phải đổi mới liên tục mà không có mục đích rõ ràng. Làm sao để CBNV đến đúng lúc ấy, dịp ấy lại được chờ đón đúng sự việc ấy. Quen đến mức mà thiếu là băn khoăn. Lúc ấy tự thân nó trở thành văn hóa rồi, giống như tự thân mình biết đến 6, 7h tối là phải đi tìm cơm bỏ vào bụng.

CƯỜNG ĐỘ LÀ ĐỘ MẠNH CỦA HOẠT ĐỘNG TRONG KHI NHỊP ĐỘ LÀ SỰ ĐỀU ĐẶN CỦA NHỮNG HOẠT ĐỘNG ẤY

Một khi đã chốt được nhịp độ rồi thì cố mà đi cho đúng, đừng tùy hứng tăng giảm cường độ bất thình lình. Cùng là cho chị em phụ nữ, có tận 2 ngày 8/3 và 20/10. Nhịp độ vẫn ổn năm nào cũng chiến cả hai, tự nhiên 8/3 năm nay sếp trúng lớn, chỉ đạo tổ chức hoành tráng kinh thiên động địa, nhưng chưa nghĩ đến 20/10 sẽ làm gì? Hứng lên mỗi chị em tặng voucher mua sắm 1 củ 8/3 chẳng hạn, xong 20/10 im lìm mỗi người bông hồng phát chẩn, thử nghĩ xem chị em có thực sự “bằng mặt bằng lòng” không? Mà kể cả ok, cứ cho quan trọng 8/3 hơn 20/10 vì 8/3 là “ngày Quốc tế”, còn 20/10 chỉ là tầm “nội địa”, vậy hãy nhớ kĩ định hướng này. Năm sau đừng có hứng lên mà làm 20/10 linh đình, đừng tùy hứng sếp hay ngứa nghề khi DN đối thủ họ bày trò này trò kia. Không lại mất công giải thích. Một khi chị em đã hỏi thì anh em có đến 10 cái miệng cũng không trả lời kịp đâu hehe.

Cái này chính ra những DN nhà nước, có Công đoàn đủ mạnh và quyết đoán lại làm rất tốt. Không có đủ nguồn lực để tô vẽ sự kiện, họ cứ đâm thẳng vào thực chất. 8/3 tặng bộ cốc, 20/10 tặng cái khăn tắm, con ốm phong bì, con học sinh giỏi cho tặng cái phiếu mua sách, Trung thu biếu cặp bánh mà Tết đến thì thưởng nhẹ, cuối năm đẩy tiền về từng phòng cho tự liên hoan tổng kết với nhau. Cũng là văn hóa mà, đừng nghĩ thế là thiếu sáng tạo và kém sang nha ^^. Để duy trì được những việc này đều đặn và thông suốt, khó phết đấy. Giản dị vậy thôi, quan tâm nhẹ nhàng như thế cũng là một cách, ko phải cứ lôi nhau ra tập văn nghệ cuối năm lên diễn hài mới là văn hóa, lôi sếp tổng lên truyền cảm hứng mới là tinh hoa... Làm sao ấy, vài chục năm nữa, trong đám tang chính mình anh em nhận được vòng hoa của ban VHDN nơi mình đang làm. Thế là mãn nguyện. Nhắm tới bến nổi hông nè?

KHÔNG CHỈ LÀ SỰ KIỆN

Vâng, xin được nhắc lại, TTNB và VHDN không chỉ có sự kiện. Cái sự đều đặn Híu nói nãy giờ, dù sự kiện là quan trọng, nhưng cái cốt yếu lại chính là trong các hoạt động thường nhật của DN. Newsletter, thư chào nhân viên mới, báo tuần, radio tháng, bảng tin tường, intranet nội bộ hoặc newfeeds của fanpage DN … mới là những thứ giữ VHDN của anh em được bền vững. Món cơm này mà biết cách nấu chuẩn, đủ ngon rồi thì chỉ cần thêm thìa muối vừng, đôi khi chỉ là dăm quả cà nén … là yên tâm cả tuần anh xã cơm nhà đều đặn không bỏ bữa nào. Cứ hỏi mẹ mình thì biết.

Đừng chăm chăm đi học nấu "tôm hùm" sự kiện. Cái đấy ra ngoài ăn hàng ngon hơn, đằng nào chả mất tiền, tội gì mà vừa mất tiền vừa phải nấu nướng khổ sở. Hãy quan tâm nhiều hơn đến nồi cơm chuẩn mỗi tối. Ấy mới thực là chân ái anh em ạ.

Trong bài “Cứ viết đi” chia sẻ về một số kinh nghiệm khi viết bài TTNB (link ở cuối bài), Híu có nhấn mạnh đến “nhịp độ đều đặn”. Ở đây Híu xin nháy lại thêm lần nữa. Đây không phải là yếu tố quan trọng, mà có thể nói là quan trọng nhất trong nghề này.

Rất nhiều anh em làm nghề trong tình trạng đầu voi đuôi chuột. Anh em quá thích thú với việc học hỏi bên ngoài, cóp nhặt mẹo vặt và ý tưởng sáng tạo mới lạ để mau chóng áp dụng cho DN mình, nhưng thường xuyên không duy trì được nỗ lực đủ dài. Một bài viết có thú vị đến đâu, một bài hát chế hay ho đến mấy cũng sẽ trôi đi sau đôi ba ngày. Sự kiện có hoành tráng thế nào thì 1 tuần sau cũng không còn ai nói về nó nữa. Vậy trong toàn bộ thời gian còn lại chúng ta làm gì?

Vẫn chỉ là những việc hàng ngày. Sáng tạo ở đâu với tin “Danh sách 5 CBNV vi phạm nội quy lao động”, “Cập nhật quy trình mới về nghiệp vụ akjsdlnasd oiiak kusdlknjbsdl”, “Nghị định 39128459 chuẩn bị có hiệu lực từ ngày 31/4/2021” … Đừng tin vào mấy câu truyền cảm hứng kiểu “Sáng tạo là vô biên”, “Sáng tạo hay là chết”. Ai vô biên không biết, chứ mình chắc chắn là hữu hạn. Sáng tạo hàng ngày là việc ảo tưởng. Chăm chỉ chuẩn bị tốt cho nồi cơm mỗi ngày đã là perfect rồi. Đừng để mình (và sếp mình) quá bị kích động bởi những ý tưởng mới. Cái gì cũng phải Mới, Lạ, Hay (à, cả rẻ nữa) mới là tốt, mới có hứng để làm. Không. Ngàn lần không.

Anh em hào hứng với các ý tưởng mới đến đâu thì nhanh chán với các công việc cũ đến đó. Khi anh em cạn ý tưởng, hoặc cóp nhặt xung quanh từ bạn bè, từ ICC hết sạch rồi cũng là lúc CBNV DN anh em chán với những thứ “lặp lại sau 1 chu kì sáng tạo” của anh em. Lúc ấy, anh em nhảy việc, hào hứng áp dụng lại những sáng tạo cũ kĩ của bản thân với chỗ làm mới. Cũng hơi hơi hiệu quả nên cứ thế nhấn ga, tiếp tục một chu kì tương tự … 5, 10 năm sau than thở: “Ôi sao vẫn chưa lên trưởng phòng??? Mình sáng tạo đến thế cơ mà, bất công vãiii …”

"Đi hết giai đoạn phong trào rồi sẽ đến văn hóa". Phong trào thì (đôi khi) mới cần đổi mới chứ văn hóa lại cần ổn định ^^. Nhà nào mà sôi sục đổi mới quá, đổi hết năm này qua năm khác, sáng tạo hết thứ nọ đến thứ kia, lại càng chứng tỏ văn hóa chưa đủ độ sâu, mới chỉ ở bề nổi mà thôi. Thế nó mới ngược đời chứ lị.

TTNB CHO AI?

Điểm mà Híu rất băn khoăn khi đọc các câu hỏi trên ICC, ấy là anh em quan tâm đến … sếp mình quá. Rõ là làm sự kiện, truyền thông này nọ là để cho CBNV mình mà, sao câu hỏi cứ quay quanh sếp kiểu :

Sếp em ra chỉ thị năm nay làm kiểu Tết bao cấp, cho em xin contact nhà thầu.

Sếp em muốn chủ đề Year End tới đây là vươn mình, đổi mới, thành công, vượt trội, anh chị nghĩ giúp em 1 slogan vần vè hay ho…

Sếp em bảo cần CBNV cùng đóng góp X đồng xây trường Y ở vùng cao Z, anh chị tư vấn cách truyền thông sao cho nuột …

Sinh nhật sếp tặng gì độc đáo?

Thực ra Hiếu rất thông cảm, vì việc này nó đến từ thực tế, là các bạn sống “gần sếp” quá. TTNB và VHDN đặc thù là vị trí dù be bé xinh xinh thôi (lương lại thấp nữa), nhưng lại rất hay được ngồi với các sếp lớn bàn chuyện đại sự. Các bạn loanh quanh bên cạnh các sếp quá nhiều mà quên đi việc phải lăn xả vào quần chúng nhân dân để hiểu anh em hơn. Đâm ra nói trộm vía chứ cũng nhiều anh em hơi ảo tưởng về vị trí của mình.

Hỏi thật, anh em làm với nhân sự là công nhân, thợ xây … đã bao giờ đi uống bia với họ sau giờ làm chưa? Anh em TTNB cho nhân viên kho bãi, đã bao giờ xuống kho thử vác 1 bao hàng lên xem nó nặng thế nào chưa? Anh em xây VHDN cho đội ngũ bán hàng đã từng thử bán thành công bất kì sản phẩm nào của DN chưa? Đã hỗ trợ kết nối đội sale của mình tới khách hàng mới chưa?... Hãy đặt những câu hỏi tương tự cho mình. Nếu anh em đã đủ kết nối với anh em nhân viên rồi, thì mạnh dạn lên, anh em có khi hiểu DN này hơn cả trưởng phòng TTNB của anh em đấy (vốn có khi cũng chỉ là người làm thuê giỏi lý thuyết mà thôi).

Cách xa ông sếp thích thay đổi của mình ra một chút, quan sát khách hàng của mình (chính là CBNV trong DN) nhiều hơn một chút. Cố mà hiểu họ, đặt mình vào vị thế của họ mà hiểu. Đừng trách chị A lười văn nghệ, anh B hay ném đá chương trình, chị C chỉ chăm chăm cái gì có lợi cho bản thân mới làm, rồi nhóm mấy cậu D, E, F suốt ngày tụ tập ăn nhậu mà xa rời tổ chức… Họ có lí do cả, chỉ là anh em chưa hiểu mà thôi. Anh em chọn cách quan sát từ đâu, từ vị trí của sếp, của người đi cạnh sếp, ăn lộc của sếp hay từ vị trí của CBNV nhà mình. Nói cho sang mồm thì chính là anh em đứng trên “quan điểm giai cấp” nào đấy. Anh em làm đủ lâu dần sẽ hiểu ra trong trường hợp của mình, chúng ta cần làm vì ai? Vì sếp, vì mình, vì tiền hay vì CBNV?

KẾT

Dông dài mấy bài viết serie này cũng chục ngàn chữ rồi. Híu không cung cấp nhiều thông tin quá mới lại và bổ ích trong loạt bài này. Cũng không có nhiều bí kíp bỏ túi hay những lời khuyên giúp anh em bứt phá ngoạn mục chỉ sau mươi phút đọc bài. Híu chỉ đưa đến cho các độc giả Híu nhắm tới (là các bạn trẻ làm TTNB dưới 2 năm) cái nhìn rõ ràng và thực tế hơn về ngành này.

Đôi chỗ hơi “cà khịa” và trần trụi, mong anh em thông cảm và bỏ quá. Ngành nào cũng vậy, sự chăm chỉ và thực hành đều đặn mới là chìa khóa thành công. Híu không giỏi, không phải là chuyên gia trong ngành này, chỉ là cũng có cơ may được làm việc với nhiều thương hiệu lớn nhỏ, trải nghiệm qua nhiều vị trí, từ client sang agency, từ nhân viên hạng bét cho đến chủ doanh nghiệp nho nhỏ, Híu mong anh em một lần nữa hãy nhớ câu mà Híu nói đi nói lại không trượt kì nào: ĐỪNG TIN CẢ Ở HÍU.

Tự trải nghiệm, tự ngẫm nghĩ và chăm chỉ học hỏi, anh em sẽ tiến bộ rất nhanh. Chúc anh em một năm mới nhiều niềm vui.

Quảng cáo dưới