• Giá trị cốt lõi giữ vai trò như "hòn đá tảng" của doanh nghiệp. Dù việc kinh doanh, môi trường, biến động nhân sự như thế nào thì những giá trị này vẫn trụ lại làm nên nền tảng suy nghĩ hành động của mọi thành viên của tổ chức. Các giá trị cốt lõi thay đổi quá nhiều, quá nhanh sẽ dẫn đến sự hoang mang, mất phương hướng. Việc này cũng làm cho việc tuyển dụng, tổ chức đào tạo, truyền thông nội bộ bị xáo trộn, không hiệu quả.
• Tầm nhìn, sứ mệnh: Tầm nhìn (vision) là điều vì nó tổ chức tồn tại, sứ mệnh(mission) là những việc cần làm để tổ chức đạt được tầm nhìn. Một tổ chức có tầm nhìn đủ lớn, đủ xa, đủ ý nghĩa có thể tạo cảm hứng mãnh liệt và bền lâu cho nhân viên. Khi gia nhập một tổ chức, người lao động đang bước lên một con thuyền, gia nhập một thuỷ thủ đoàn, nếu tầm nhìn sứ mệnh không rõ ràng thì khác nào người ta đang lên một con tàu vô hướng giữa đại dương?
• Người lãnh đạo giữ vai trò như một nhạc trưởng. Những giới hạn trong khả năng truyền đạt, tạo ảnh hưởng, tạo cảm hứng, điều nhịp của người lãnh đạo có thể làm tổ chức hoạt động rời rạc, thiếu phối hợp, mất động lực hoặc ở thái cực kia là nhiệt huyết, đam mê và hướng tới những điều vĩ đại.
• Hệ thống truyền thông nội bộ có thể được ví với hệ thần kinh trong cơ thể: nó truyền thông tin từ bộ não xuống từng bộ phận cơ thể và đưa các thông tin phản hồi về "bộ não". Một công ty chỉ kinh doanh mà không có hệ truyền thông nội bộ tốt thì khác nào một cơ thể sống thực vật? Nếu doanh nghiệp chỉ mê mải với mục tiêu kinh doanh, hướng tới những điều trước mắt trong khi đó hệ thống truyền thông nội bộ lỏng lẻo và nhợt nhạt thì làm sao các thành viên trong tổ chức tin tưởng và phối hợp với nhau? Văn hoá doanh nghiệp là những điều thành viên tổ chức nhìn thấy, nghe thấy và tin tưởng vào. Hệ thống truyền thông nội bộ chính là phương tiện để những điều này đi vào hiện thực.
Tác giả: Nguyễn Đình Thành