Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Bàn về TTNB (Kỳ 2): Nguồn lực

Chào anh em, tiếp tục serie “Bàn về TTNB”, loạt bài này Híu viết riêng cho anh em ICC, cung cấp 1 cái nhìn phần nào sẽ hơi lạ với anh em mới vào nghề (làm TTNB dưới 2 năm) nhưng thực sự không phải mới với anh chị em đã có kinh nghiệm làm lâu năm. Không phải chuyên gia trong ngành TTNB, những điều Híu chia sẻ dưới đây đúc rút từ kinh nghiệm quan sát thực tế trong quá trình làm truyền thông nội bộ, văn hóa doanh nghiệp, và sau này là tổ chức sự kiện, đi từ thực tiễn đến tổng quan, đúng sai hậu xét, đọc được gì phù hợp thì áp dụng, xin đừng tin cả ở Híu.



NGUỒN LỰC

Hôm trước Híu đã nói về tầm quan trọng của định hướng trong ngành TTNB. Phần này xin được nói tiếp đến phần quan trọng không kém là nguồn lực, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính và nguồn lực về nhân sự. Lưu ý bài viết thẳng thắn, có thể sẽ khiến nhiều sếp giật mình và nhiều anh chị em lính lác vỡ mộng. Welcome.

1. TÀI CHÍNH

Cho dù có tô vẽ đến đâu đi chăng nữa, VHDN cũng chỉ là một trong số những hoạt động (thường xuyên) của DN. Hoạt động này nói gì thì nói, là tiêu tiền về ngắn hạn và (có thể) thu lại được lợi nhuận về dài hạn cùng với sự cam kết của nhân sự (và qua đó phần nào là sự cam kết của khách hàng). Bởi vậy, sau khi đã có được định hướng rồi, thì DN phải ngó đến nguồn lực về tài chính của mình để biết được mình đủ sức làm gì và quan trọng hơn, là KHÔNG NÊN làm gì. Khi DN chưa phát sinh đủ lợi nhuận mà cắm đầu cắm cổ làm VHDN hoành tráng vì đọc sách thấy các DN lớn khác họ đều làm vậy, thì sớm muộn gì team đó cũng bị giải thể vì DN phá sản, vậy cho nhanh hehe.

Công ti doanh thu triệu đô tỉ đô nó khác công ti doanh thu triệu đồng tỉ đồng. Liệu cơm gắp mắm là việc đương nhiên phải cân nhắc tới. Đừng nhìn DN nhà người ta làm Year-End-Party resort 5 sao, mà nhà mình cùng ngành hàng, cũng bán mấy thứ rưa rứa thế, cũng phải cắn răng làm xôm y hệt. Việc cân đối nguồn lực tài chính trong TTNB không chỉ là việc riêng của phòng kế toán. Đây là trách nhiệm bắt đầu từ người ở vị trí cao nhất (TGĐ, CEO …), cho đến GĐ VHDN và TTNB. Các sếp đương nhiên phải biết rõ năm nay DN mình tiêu nhiêu đồng để đạt được nhiêu việc, và truyền đạt được, ốp KPI xuống được cho các quản lý cấp trung và nhân viên TTNB. Không thì làm sếp làm gì?

BỞI VẬY, TÍNH TOÁN KĨ ĐỂ KHÔNG PHUNG PHÍ NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH VÀO NHỮNG THỨ KHÔNG MANG LẠI LỢI ÍCH THIẾT THỰC, NHỮNG THỨ CHỈ ĐỂ “KHÔNG KÉM NHÀ NGƯỜI TA” LÀ VIỆC BẮT BUỘC PHẢI LÀM.

Không cứ buffet 5 sao mới là ngon, không cứ tiệc nhỏ thịt chó mắm tôm đã là xoàng xĩnh. Hiểu được chúng ta ở đâu, kiên định với đường lối ấy sẽ giúp CBNV không mơ mộng và đỏi hỏi quá đà. Anh em làm TTNB có quyền được biết, được đề xuất và đề nghị BQT giải thích cho từng mức ngân sách mình được phê duyệt trong năm, của các năm trước (nếu bạn mới nhận job), và trong các năm kế tiếp.

VD thế này đi, cuối năm này tự nhiên sếp tổng trúng job lớn ngàn năm có một, muốn anh em sang chảnh cho bõ, cho 100 người bay ra Phú Quốc làm Year End Party ở một resort bao la bát ngát. Năm sau cớ gì anh em không mong mỏi một bữa tương tự? Nếu không giải thích rõ đây là “VIỆC BẤT THƯỜNG” thì năm sau CBNV sẽ mặc định coi đây là tiêu chuẩn phải duy trì. Không làm được hơn là kém, là giận dỗi, là không thỏa mãn. Rõ là công sức mình bỏ ra nhiều hơn nhưng feedback nhận lại lại kém hơn. Khổ chưa?

Ở chiều ngược lại, trong group anh em rất hay truyền nhau “bí kíp” tổ chức chương trình với giá rẻ giật mình, và tự hào về việc ấy. Theo Hiếu việc này chứng tỏ hai việc:

- Các bạn thực sự nên tự hào vì quá giỏi khi xoay được mọi thứ quá tươm tất đủ đầy trong nguồn ngân sách đôi lúc phải gọi là phi lý như vậy (VD hơn triệu cho chương trình 100 người)

- Sếp các bạn khá dở nếu để các bạn liên tục phải triển khai những việc như vậy hết lần này đến lần khác. Hoặc sếp … không có tiền thật (cái này chấp nhận được), hoặc sếp quá vô tâm khi không tính đủ ngân sách cho việc đó.

- Cũng có thể có gạch đầu dòng thứ 3 là các bạn đã không tính tới việc lập ngân sách cho việc này từ đầu năm, dẫn đến sếp ko duyệt chi nhiều được khi mọi thứ đã cận kề. Cái này thì nên trách chính mình.

Những startup, những doanh nghiệp mới tinh nơi mọi người làm việc không hẳn là vì tiền, thì việc anh em xoay xở để khích lệ tinh thần lẫn nhau như vậy quả thực là đáng quý. Nhưng nó có gọi là VHDN không? Không, cứ coi như những cữ nghỉ ngơi lý thú, những người bạn thân thiết cùng chung sức đồng lòng có khoảng thời gian vui vẻ bên nhau. Đã là bạn, ko cần văn hóa. Nó cao hơn tầm đấy rồi. Một khi đã yêu thì làm gì cũng dễ. Nhưng khi đã phát triển lớn mạnh hơn, người mới đến có khi không còn là bạn nữa, chỉ là đối tác thôi, lúc ấy VHDN nó mới cần thiết, lập ngân sách cho nó một cách cụ thể là việc không đùa được.

ĐỂ LÀM ĐƯỢC, THÌ VIỆC THẤU HIỂU GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG (VENUE, AGENCY SỰ KIỆN, AGENCY TRUYỀN THÔNG, THIẾT KẾ …, CÁC SUPPLIER F&B, DÉCORATION, TEAMBUILDING …) CÁC BẠN NÊN NẮM RÕ NGAY TỪ GIỜ.

Nên dắt túi vài ba agency quen thuộc, và làm ơn hãy trung thành với các agency đấy. Híu từng làm CD ở 1 agency sự kiện cũng kha khá (giờ thôi rồi, đừng book event Híu làm gì ^^), nên rất hiểu việc pitching mệt mỏi thế nào. Giá cả là quan trọng, nhưng hãy giữ ở mức hợp lý. Đương nhiên in một tấm bạt ngay từ xưởng in chỉ có giá x đồng, nhưng agency tính giá x + 20%, thậm chí +50% thì cũng có lý do cả. Lấy giá agency mới (thậm chí giá xưởng không có VAT) để ép giá agency quen, năm sau phải làm tốt hơn và rẻ hơn năm trước thường dẫn đến những hậu quả khá khó nói.

Agency quen thì hiểu bạn hơn agency mới, bạn lường được trước những ưu điểm và hạn chế của họ để có phương án hỗ trợ phù hợp. Đừng chỉ chốt agency vì giá, Híu khuyên thật lòng. Hãy hiểu cho những chi phí liên quan đến giấy tờ, pháp lý, chi phí bôi trơn, nhân sự vận hành, cũng như lợi nhuận của agency quen thuộc của các bạn nữa. Agency không làm vì yêu bạn, giống như tình yêu bạn dành cho DN mình. Agency làm vì tiền, nhớ vậy để hợp tác với nhau cho dễ ha ^^.

NÓI THẾ ĐỂ HIỂU, ĐỪNG QUEN VỚI VIỆC LÀM MỌI THỨ TRONG MỘT CHI PHÍ QUÁ HẠN HẸP.

Sếp các bạn cũng sẽ sớm quen với việc đó, và ngân sách sẽ luôn có chiều hướng giảm xuống đến mức các bạn không thể xoay được nữa là nhảy việc, để lại thách thức khổng lồ trong ngân sách phi lý cho người kế cận. Hãy học cách đấu tranh cho một budget hợp lý ngay từ đầu năm kinh doanh cho từng sự kiện. Cố gắng bớt đi những rườm rà không cần thiết, những tô vẽ nửa chừng để tập trung vào những mảng việc chính.

Tiết kiệm, nhưng đừng hà tiện. Lên kế hoạch cho chắc chắn, đừng lửng lơ. Làm TTNB phải làm cho sếp nể mình (vì mình là cầu nối giữa sếp và CBNV), đừng sợ sếp một phép (vì bài trước nói rồi, chuyên môn TTNB sếp đâu có hơn mình đâu). Đây cũng là lời khuyên cho sếp nào đọc được đến tận đây, hãy dành sự tôn trọng hơn nữa đến anh em làm TTNB, vị trí này không phải dạng vừa đâu, ahihi.

2. NGUỒN LỰC NHÂN SỰ

Nói về việc này, thêm lần nữa cho phép Híu nói thẳng. Đó là anh em làm TTNB thường mạnh rất nhiều thứ, nhưng cuối cùng lại … không mạnh thực sự cái gì. Đây chính là điểm cốt yếu, khiến anh em bị đánh giá thấp (hơn mức kì vọng với sự cống hiến) trong DN nói chung, cũng như trong mặt bằng nhân sự nói riêng. Híu phải nói thế, trước mắt để anh em hiểu được vị trí của mình trong mắt của các nhân viên kì cựu, các bộ phận kiếm ra tiền ở doanh nghiệp là không cao, và nếu mình không đủ hiểu biết, anh em họ không phối hợp với mình cũng là lẽ thường.

Thay vì tức tối khi bị chị kế toán lâu năm mắng “bọn mày chỉ vẽ chuyện”, anh bán hàng đạt Sale-Champion năm ngoái từ chối đi tập văn nghệ vì bận đi uống rượu sau giờ với … chồng của chị khách quen, hay vô vàn lý do nhảm nhí khác, hãy âm thầm học hỏi mọi thứ liên quan đến DN của bạn. Không sale được như anh kia nhưng cũng phải biết tất cả các sản phẩm DN mình đang bán, cái nào đắt hàng cái nào tồn kho cần đẩy sớm. Không nhẩm doanh thu được trong một nốt nhạc như chị kế toán, thì cũng cố nhớ một vài nguyên tắc căn bản của ngành, biết giờ cao điểm trong tháng là lúc nào (mà tránh chị í ra), biết nhà cung cấp ABC hay chây ỳ trả nợ, biết dự án vừa rồi công ty dự kiến là lỗ sấp mặt, đừng có lôi tên chị ấy vào bản tin nội bộ mà khen nức khen nở vội…

Nếu không, bạn mãi chỉ là mõ làng, đi tuyên truyền những lời sáo rỗng và không bao giờ nhận được sự nể trọng của anh em trong DN

THỰC RA CHUYỆN NÀY BẮT NGUỒN TỪ CÁCH TUYỂN DỤNG NHÂN SỰ CỦA ĐA PHẦN CÁC DN BÂY GIỜ.

Đặc thù cần sự nhiệt tình, cần mẫn, sáng tạo, nên đa số anh em làm nghề TTNB đều khá trẻ, thậm chí là rất trẻ. Tuổi trẻ ham vui, chính xác điểm mạnh của các bạn là mấy ý trên, cộng với điểm “rất mạnh” nữa là lương thấp, đã đáp ứng được trọn vẹn nhu cầu của nhà tuyển dụng với những vị trí chuyên viên TTNB.

Khi vào team, nếu may mắn, các bạn trẻ sẽ ngay lập tức được cuốn vào một guồng quay tất bật của chương trình, sự kiện, đại hội, với những hoạt động nghe rất thú vị như lên kế hoạch, chạy chương trình, giao tiếp, tập luyện, kêu gọi, hô hào … đi kèm với overtime và tinh thần quên mình vì tổ chức. Bạn nhanh chóng cảm nhận được mình là một phần quan trọng của doanh nghiệp, cảm thấy nghề của mình thực sự thú vị, và may mắn khi so với bạn bè đồng trang lứa khi mình vừa được chơi vừa được làm, vừa được học hỏi, vừa được hưởng thụ. Còn gì thú vị hơn khi được làm việc mình yêu thích?

Đúng là như vậy. Nhưng sau 2-3 năm, khi không còn hừng hực sức trẻ của thanh niên mới ra trường, mà bạn vẫn lấy niềm hạnh phúc khi tất bật với từng sự kiện như vậy, chứng tỏ bạn đang dừng lại hơi lâu, hoặc sếp của bạn chưa có được cái nhìn tổng thể xuyên suốt, rõ ràng. Lúc đó lăn tăn về định hướng nghề nghiệp, nhìn lại mới hoảng hốt mình chẳng giỏi việc gì. Leo lên làm trưởng, phó phòng TTNB thì khó quá, mà nhảy việc sang chỗ khác thì lại nhan nhản những em xinh hơn mình, trẻ hơn mình, sẵn sàng overtime hơn mình, nhận lương thấp hơn mình … Băn khoăn chưa nào?

VỊ TRÍ CHUYÊN VIÊN TTNB LÀ CÁI BẪY KHÁ LỚN VỚI CÁC BẠN TRẺ NẾU KHÔNG TỈNH TÁO.

Các bạn từ client đi ra với cái mác event executive, marketing executive, thậm chí communication specialist … gần như rất khó có cửa làm cho agency, vì môi trường agency khốc liệt hơn nhiều. Các bạn ấy học được nhiều thứ hơn, chịu nhục tốt hơn, và giỏi hơn các bạn nhiều (chưa kể nhận lương thấp hơn nữa). Vào agency các bạn mới vỡ lẽ mình chả biết gì về tổ chức sự kiện hay teambuilding cả. Những thứ hồ hởi làm cùng anh em hồi xưa nó chỉ trên tầm sự kiện sinh viên tí tị tì ti mà thôi. Chỉ có cách chuyển ngang sang brand khác làm, thì như vừa nói ở trên, bạn không còn ở đỉnh cao lựa chọn nữa nếu không thực sự phát triển bản thân.
Và cái kết

Hiếu đoán kha khá bạn đọc đến tận dòng này sẽ giật mình nhìn lại lo lắng. Không sao, career path các bạn vẫn còn dài. Ngành TTNB vẫn còn nhiều đất để phát triển nếu như các bạn chịu khó lắng nghe và học hỏi, biết cách đặt câu hỏi đúng chỗ, biết cách yêu cầu sếp lo lắng hơn cho bản thân bạn cũng như anh em CBNV. Đừng quá bị cuốn vào các sự kiện nhỏ lẻ, hãy cứ hết mình đi nhưng ngay lập tức sau mỗi chương trình phải đúc rút được bài học cho cá nhân. Ghi chép nhiều vào, giao lưu với anh em trong nghề mạnh lên. Thế mới khá được.

May cho bạn là bạn đang được ở trong một cộng đồng mà anh em sẵn sàng hỗ trợ nhau nhiệt tình và vô tư đến như vậy. Năm ngoái, có khoảng hơn 20 IOM (ICC Official member), tức ngân sách cả năm có hơn chục triệu, trong đó 1 nửa đến từ anh em coreteam - BQT. Tức là ban quản trị, những người như Hiếu, như Ngà, như Hà, như Tùng, như Giang … vẫn đóng quỹ như thành viên bình thường và làm việc gấp 5 gấp 10 lần các bạn khác.

Chúng tôi còn phải tự bỏ tiền túi để đóng quỹ coreteam, để mỗi lần gặp nhau café bàn chuyện không dùng một đồng tiền quỹ của anh em IOM. Rồi mỗi lần đến sự kiện, anh em bận túi bụi, mà đều ở tầm trưởng phòng, trưởng ban, GĐ DN rồi đấy …, vẫn miệt mài bỏ thời gian ra sắp xếp, kêu gọi, tổ chức cho các bạn đến với nhau. Chưa kể anh em mặt dày đi xin tài trợ bốn phương (dù chả giúp lại được nhà tài trợ tí gì) để các bạn đến chơi có tí quà cáp cho xôm.

Sự cho đi này là tình nguyện, lắm lúc tôi thật cũng chẳng hiểu vì lí do gì. Có chăng vì anh em trong BQT cũng coi nhau như bạn, quý nhau thật lòng. Chúng tôi bởi vậy cũng mong mỏi các bạn đặt niềm tin của các bạn cùng chúng tôi.

Quảng cáo dưới