Các bạn đoán gần đúng rồi đấy, đấy chính là thành phần mà chúng ta sắp phải điên đầu, quay cuồng với 1 loạt chương trình phục vụ “chúng nó” vào hè này – con em cán bộ nhân viên (CBNV). Nhắm mắt bấm đốt cũng thấy, đôi ba tháng tới, chưa xong 1/6 đã tới ngày hội gia đình, rồi ngoảnh đi ngoảnh lại đã “bục mặt” cùng Trung thu, rồi Noel, Tết nhất, team-building, du lịch khai xuân .... Có cái nào mà “chúng nó” không góp phần quan trọng trong việc ra quyết định của anh em văn hóa tổ chức - truyền thông nội bộ đâu.
Bài viết này sẽ giúp anh em truyền thông nội bộ/ văn hóa tổ chức của mỗi doanh nghiệp có thêm một vài ý tưởng về cách thức tổ chức chương trình cho “đội rách việc" này.
==================
A. THỜI GIAN
Nếu không kể các ngày đặc thù của ngành, ngày kỉ niệm của doanh nghiệp, các mốc cố định của các sự kiện nội bộ rơi vào mấy dịp sau:
- Tháng 2-3: Nghỉ Tết --> du xuân + 8/3 + Teambuilding đầu năm.
- Tháng 4-5: Giỗ Tổ + Tết Độc lập + Quốc tế Lao động --> Nghỉ mát + Teambuilding
- Tháng 6-7: Tết thiếu nhi 1/6, ngày gia đình 28/6 --> Các thẻ loại sự kiện dành cho thiếu nhi và gia đình. Đây là phần sẽ được nói đến kĩ hơn trong bài này
- Tháng 8-9-10: Trung thu + thời tiết mát mẻ --> Phá cỗ trăng rằm + 20/10 + Nghỉ mát teambuilding
- Tháng 11-12-1: Kết năm + Noel + Tết dương lịch --> 20/11 (tri ân người hướng dẫn, đào tạo mình) + Tặng quà Noel + Year-End-Party.
Không phải doanh nghiệp nào cũng tổ chức được hết toàn bộ những dịp này. Tùy theo ngân sách cũng như quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ lựa chọn những dịp thích hợp nhất để triển khai, phù hợp với văn hóa chung và mục đích mà chủ doanh nghiệp hướng tới.
==================
B. ĐỊA ĐIỂM
Trong bài này sẽ chỉ nói tới những địa điểm phù hợp tổ chức các chương trình dành cho thiếu nhi.
1. Các nhà thi đấu trong nhà: Rất phù hợp do
+ có điều hòa tránh nóng,
+ sàn sạch, phẳng --> đỡ chấn thương
+ có khán đài --> muốn ngồi muốn nghỉ lúc nào cũng được
+ có bãi để xe rộng rãi
+ chi phí không quá cao
Ở tỉnh hay ở Hà Nội thì cứ nhà thi đấu tỉnh, nhà thi đấu quận huyện mà hỏi. Giá rổ thì cũng vô cùng lắm, tùy thuộc vào mức độ thân thiết với ban quản lý.
Các nhà thi đấu tham khảo: Bách Khoa, Quần Ngựa, Tây Hồ, Hoàng Mai ... Nếu không cần khoảng sân rộng để chạy nhảy, chỉ cần khán đài + sân khấu thì nên tham khảo hội trường các trường đại học như Kinh Tế, Bách Khoa, Giao Thông, Văn Hóa, Mỹ Thuật Công Nghiệp ....
*****
2. Công viên, sân bãi ngoài trời:
+ Ưu điểm: Chi phí rẻ, địa điểm gần gũi, thân thuộc. Nhiều doanh nghiệp lớn (thường là doanh nghiệp có khu sản xuất) sẽ có sân bãi tập kết hàng/ bãi đỗ xe/ sân bóng riêng rộng phải nói là mênh mông.
- Nhược điểm: Dịp hè này thì mình không recommend lắm do rất rất nắng. Trẻ con mau mệt, đồ ăn nhanh hỏng. Tổ chức không khéo và bài bản rất dễ vỡ trận và để lại hậu quả nặng nề. Chưa kể nếu tránh nóng thì căng dù, làm nhà bạt lớn cũng khá tốn kém.
Các công viên có thể tham khảo: Nghĩa Đô, Yên Sở, Ecopark, Baaraland, Thống Nhất, Bách Thảo ...
*****
3. Bảo tàng, Lăng Bác, Văn Miếu ...
+ Ưu điểm: Tránh nóng tốt. An toàn. Nghe có vẻ “học hành”.
- Nhược điểm: Chỉ phù hợp với các cháu từ 8,9 tuổi trở lên. Bé hơn sẽ thấy boring khi không hiểu hầu hết nội dung được cho đi tham quan. Đồng thời cẩn thận vỡ trận do đông!!!
Vì tham quan bảo tàng thường chỉ kéo dài 60-90 phút là căng, nên kết hợp với tổ chức các trò chơi nhỏ khác theo chủ đề. VD trò chơi dân tộc; hướng dẫn làm đồ thủ công; các trò vận động kết nối nhẹ nhàng .... Tất cả đều nên có thưởng để khuyến khích các bé hào hứng hơn.
Các bảo tàng tham khảo: Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng dân tộc học, Bảo tàng thiên nhiên ....
*****
4. Rạp xiếc, rạp chiếu phim, nhà hát có vở thiếu nhi.
+ Ưu điểm: Chi phí thực ra không quá cao, đội tổ chức lại nhàn hơn. Thêm 1 lunch-box hoặc starter-box (đồ ngọt + sữa) là yên tâm các cô các cậu vừa no bụng vừa đã mắt. Các chương trình được xây dựng rất công phu (tất nhiên là hơn cây nhà lá vườn hoặc đi outsource với ngân sách hẹp).
- Nhược điểm: Đông! Các địa điểm này nếu không bao trọn được thì khá lộn xộn. BTC cần quản lý trẻ một cách chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Tip là cứ mỗi 12-15 trẻ cần 1 quản lý. Nhiều hơn phải bó cẩn.
Các địa chỉ tham khảo: Rạp xiếc Trung ương, Nhà hát tuổi trẻ - Vở mới ở đây đang rất hay, có cả hologram 5D, sân khấu đại dương hoành tráng ... Show thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ (giá hơi chát, 800k/ng cơ, nhưng nếu khách đoàn hỏi Hiếu sẽ có discount tốt).
==================
C. HÌNH THỨC:
Ngoài những kiểu “ăn liền” gắn với địa điểm như mình đã liệt kê ở mục 3-4 (tham quan bảo tàng/ danh lam thắng cảnh; enjoy show/kịch/phim) thì việc được cho 1 nắm (có nơi thì 1 nhúm) ngân sách để tổ chức cho “bọn rỗi việc” này được sướng là cả 1 vấn đề. Mình recommend mấy hình thức sau:
1. Tặng quà: Ok kiểu này là kiểu lười nhất rồi. Nhưng tặng cũng phải tặng cho đúng. Đừng tiếc công tiếc của mà tìm hiểu danh sách các cháu cho thật kĩ.
Kết hợp với công đoàn, la liếm các bố các mẹ cho khéo để tìm hiểu nhu cầu, rồi phân công mua sắm cho thật chuẩn. Cháu trai phải tặng đồ con trai, cháu gái tặng đồ con gái. Cháu lớn tặng đồ lớn mà cháu bé tặng đồ bé. Và mua cái gì thì note lại, năm sau còn nhớ mà mua tránh ra. Đừng để đến mức 5 năm liền đều tặng cháu nó 1 loại gấu bông, cùng 1 quyển sách, cùng 1 hộp màu.
Mức budget chung đã có rồi, nơi thì 50k phải quẩy, có nơi thì 500k vẫn còn có thể xin thêm ... Thôi thì cân nhắc sao cho khéo. Duy chỉ có 1 điểm mình note lại là: ĐỪNG PHÁT CHẨN.
Quà là quà đích danh, tiếc gì mà không làm 1 cái thiệp tử tế, nhét logo, slogan doanh nghiệp vào. Tên của các cháu nắn nót được viết lên trên phong bao cute xanh đỏ tím vàng. Ông sếp muốn thể hiện gì thì kí vào đây... Thân mến yêu thương gì cứ từ đoạn quà cáp này là dễ vô cùng luôn. Thiết kế hướng cá nhân là giá trị vật chất 1 mà giá trị tinh thần đã phải được 2,3 rồi. Tội gì, nhờ!
2. Office Tour: Với ngân sách ít nhưng vẫn muốn tạo sự mới mẻ cho các cháu và bố mẹ, thay vì bổ tiền ra tặng quà vật chất, thì làm hình thức này khá phù hợp.
- Office tour đơn giản là cho các bé đến trải nghiệm 1 ngày làm đến công sở, trực tiếp xem bố mẹ mình đang làm những gì tại đây.
- Bố mẹ có thời gian để chỉ cho các con bàn làm việc của mình, các công cụ mình đang sử dụng trong công việc, hướng dẫn các con làm vài nhiệm vụ đơn giản …. Trong khi các sếp sẽ hóa thân vào làm tour guide, dẫn các bé 1 vòng giới thiệu về lịch sử, văn hóa doanh nghiệp heo những cách thức dễ hiểu và vui nhộn nhất.
- Hoa quả bánh kẹo thì thôi không phải bàn rồi. Một sân khấu mini (chỉ cần backdrop thôi là vui rồi) được dựng ngay trong toà nhà chính để tổ chức các trò chơi có thưởng hấp dẫn, rồi add thêm những thứ rất-phổ-biến-nhưng-không-chán như chú hề vặn bóng, ảo thuật, bong bóng khổng lồ, mascot, ca hát, lucky draw …
- Tuyên dương những bé có thành tích đặc biệt, khen tặng các bé là học sinh giỏi (giờ con nhà ai cũng HSG hết ạ) là có thể kết hợp luôn.
- Nhà nào có máy chiếu tốt + không gian rộng rãi tí thì tổ chức chiếu phim, làm games show mini kiểu Ai là triệu phú, đuổi hình bắt chữ. Văn phòng/hội trường rộng hơn nữa thì Rung chuông vàng hay mấy trò tiếp sức cũng là lựa chọn thú vị.
Hình thức này rất dễ thành công do huy động được lực lượng supporter đông đảo (cứ 1 kèm 1 thì đi đâu mà chệch được, haha). Quy mô đa dạng, từ nhỏ như cấp phòng (20-50 người), cấp chi nhánh/trung tâm (100-300 người), cấp khối, công ty con (~500-1000 người) hay cả doanh nghiệp (1000-3000 người) đều mang lại những kết quả rất tích cực nếu so sánh về chi phí cần phải bỏ ra.
3. Tham quan + team-building trải nghiệm: Một chuyến tham quan dã ngoại xa (nên vẫn trong Hà Nội) để các bé thực sự enjoy cảm giác được chơi những game team-building mang tính chất đội nhóm, phối hợp cao. Hoàn toàn bỏ qua những bước rắc rối như văn nghệ biểu diễn, mascot, décor, hay ăn uống phải cầu kì, sang trọng … (tất nhiên vẫn phải đảm bảo vệ sinh, an toàn). Đây là hình thức team-building hướng tới thực chất, giúp các bé có được những trải nghiệm theo những chủ đề thú vị như: Bản đồ Hải tặc/ Truy tìm Nhẫn báu/ Trại lính hải quân/ Đại hội Olympic / Quay về thời bao cấp … Chi phí cao hơn chút so với Office tour nhưng các bé sẽ cực kì phấn khích.
4. Ngày hội gia đình: Khoảng gần chục năm gần đây, việc tổ chức ngày hội gia đình đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu. Dịp tháng 6,7,8 là dịp thích hợp nhất để làm việc này, khi các bé vẫn còn đang được nghỉ hè.
Địa điểm như ở phần trên đã nói, có thể là ở các nhà thi đấu, công viên, bãi đất trống của công ty (nếu có). Quy cách tổ chức thì như một hội chợ nhỏ với những gian hàng là những trò chơi trải nghiệm. Cả trí tuệ lẫn vận động. Mấy thứ lần nào cũng có như tô tượng, vẽ tranh cát, bong bóng khổng lồ (đừng dùng bóng vặn nếu nhiều hơn 100 người vì sẽ rất đắt), mascot ... trông vậy nhưng vẫn chưa lỗi mốt và các bé vẫn rất enjoy.
Nên có sân khấu để biểu diễn ca nhạc, trình diễn cat-walk nhí, bốc thăm trúng thưởng ... Thậm chí có thể thuê hẳn đoàn xiếc/ảo thuật chuyên nghiệp về diễn trên sân khấu này. Nói chung là liệu cơm gắp mắm, có bao tiền thì gom gom lại để thuê người cho chuẩn. Thường nếu quyết định tổ chức dạng event ngày hội như vậy, mình khuyên các bạn nên nhờ qua agency để đảm bảo an toàn cũng như tiết kiệm được kha khá chi phí, mà khi bạn đi đàm phán sẽ luôn bị đội giá lên (anh em trong nghề với nhau luôn có những mức giá rất ưu đãi).
Chi tiết hơn về dạng event này thì nhiều lắm, hàng xô kinh nghiệm xương máu luôn. Nhưng chắc hẹn anh em bài khác để tả kĩ hơn, hoặc có điều kiện (và lười hơn) thì cứ xin tư vấn ở agency quen thuộc cho lành.
Vậy nhé, chúc anh em ICC có một mùa hè máu lửa cùng nhóm đối tượng vô cùng “rách việc” này. Bài viết vội dựa trên kinh nghiệm xương máu nên có thể vẫn còn sơ sài, anh em cùng đóng góp thêm ở comment cho thêm phần sôi động nhé