Netflix hiện đang là dịch vụ phát trực tuyến với đa dạng thể loại từ phim truyền hình, anime, chương trình thực tế,... phổ biến với đông đảo người dùng. Không chỉ mua lại bản quyền các chương trình và phim ảnh của công ty khác, Netflix cũng bắt tay vào tự sản xuất nhiều bộ phim đình đám như Stranger Things; The Haunting of Hill House; Love, Death & Robots,...
Từ những thành công ấy, Netflix trở thành công ty giải trí lớn thứ hai trên thế giới và được xếp hạng 115 trong danh sách Forbes Fortune 500. Theo Statista, nền tảng này đã thu hút đến 232,5 triệu người dùng trả phí trong quý 1/2023.
Quyết định dựa trên dữ liệu
Chìa khóa thành công của Netflix là liên tục phân tích dữ liệu người dùng. Dữ liệu nhanh chóng trở thành kim chỉ nam cho văn hóa đổi mới của công ty và xác định hướng phát triển của các dịch vụ và công nghệ cho gã khổng lồ này.
Theo lời của Reed Hastings, Giám đốc điều hành Netflix:
“Nếu bí mật của Starbucks là một nụ cười khi bạn nhận được ly cà phê của mình, thì bí mật của Netflix là sự thích ứng với sở thích của từng cá nhân.”
Ngoài việc ghi nhớ những chương khách hàng đã xem, thích xem và thời lượng họ xem các chương trình, Netflix thậm chí còn để tâm đến những thông tin như: Ngày, giờ và địa điểm xem, thiết bị xem khách hàng sử dụng, từ khóa khách hàng tìm kiếm, hành vi của khách hàng (tua nhanh hay dừng lại),… Thông qua những điều đó, Netflix đã thay đổi trải nghiệm của khách hàng theo hướng cá nhân hóa và phù hợp với thói quen của khách hàng nhất có thể.
Nếu đã từng xem phim trên Netflix, bạn có thể thấy, Netflix sẽ liệt kê các chương trình mà bạn có nhiều khả năng xem nhất ở phía trên bên trái của giao diện trang chủ. Trên thực tế, cách tiếp cận này rất thành công, 80% nội dung được phát trực tuyến trên Netflix dựa trên các hệ thống đề xuất.
Giờ đây thì Netflix đã có gần 13.000 nhân viên, nhưng ngay từ khi con số đó cán mốc 1.000, Netflix đã thay đổi cách thức họp của mình. Thay vì chia sẻ số phút của cuộc họp sau khi kết thúc, Netflix yêu cầu bất kỳ ai lên lịch cuộc họp viết ra những điều chính và kết quả mong muốn trước khi nó bắt đầu. Phương pháp này cho phép nhân viên đi đến vấn đề nhanh hơn và giảm số lượng các cuộc họp tiếp theo.
Sự tập trung không ngừng vào thông tin và dữ liệu làm nền tảng cho mọi quyết định của Netflix đã cho phép công ty sớm từ bỏ những ý tưởng tồi và chuyển hướng sang những ý tưởng tốt hơn.
Tăng quyền tự do cho nhân viên
Business Insider đã dẫn lời Reed Hastings trong một lần phỏng vấn về văn hóa Netflix: “Mô hình tương lai của chúng tôi là tăng quyền tự do cho nhân viên chứ không hạn chế bất cứ điều gì, điều này giúp chúng tôi có thể tiếp tục thu hút nhân tài và nuôi dưỡng sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Chúng tôi nhận thấy sẽ có cơ hội thành công cao hơn nếu theo đuổi chiến lược này”.
Mang lại cho nhân viên mức độ độc lập cao là một trong những lý do nhà sáng lập Hastings tuyên bố rằng lãnh đạo nên “đưa ra quyết định càng ít càng tốt”. Netflix thậm chí yêu cầu nhân viên “tiêu tiền của công ty như thể tiền của chính bạn”. Họ có thể tiêu xài bất cứ khoảng chi phí lớn nhỏ nào, miễn là nó phục vụ cho lợi ích chung của công ty.
Netflix cũng nổi tiếng với quan điểm chỉ quan tâm hiệu quả công việc, chứ không quan tâm số giờ nhân viên có mặt ở công ty. Bằng chứng là Netflix không giới hạn ngày nghỉ phép cho nhân viên của mình. Công ty không gò bó và không theo dõi ngày nghỉ của nhân viên. Thay vào đó, nhân viên và người quản lý của họ sẽ cần có những cuộc trò chuyện về những gì là thích hợp cho sự phát triển và đảm bảo đặc quyền này sẽ không bị lạm dụng hoặc sử dụng không hiệu quả.
Ngoài ra, để thu hút và giữ chân những nhân viên tiềm năng, Netflix sẵn sàng trao cho họ quyền lợi và sự hỗ trợ tốt nhất. Khi một nhân viên nữ trong Netflix lên làm mẹ, họ sẽ được hưởng chính sách nghỉ phép “không giới hạn” trong vòng một năm sau khi sinh mà vẫn được giữ nguyên lương. Một nhân viên “lên chức cha” cũng có thể nghỉ tùy thích trong vòng một năm và vẫn nhận lương thưởng đầy đủ.
Thử nghiệm, thử nghiệm và thử nghiệm
Những người làm sản phẩm vừa yêu thích vừa ghét thử nghiệm. Một mặt, chúng rất hữu ích trong việc giúp đo lường kết quả của những thay đổi. Mặt khác, khởi chạy bất kỳ thứ gì dưới dạng thử nghiệm cần nhiều công việc phân tích và kỹ thuật hơn, đồng thời thường làm chậm tiến độ về phía trước. Nếu bạn đã có một tầm nhìn về tương lai, liệu có hợp lý không khi thử nghiệm con đường của bạn đến đó với thời gian gấp đôi?
Đối với Netflix, câu trả lời là "có".
Một trong những điểm nổi bật của Văn hóa Netflix chính là sự đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, Netflix khuyến khích nhân viên thử những ý tưởng mới và không né tránh thất bại, với niềm tin rằng thử nghiệm và phản hồi liên tục sẽ cho phép những ý tưởng tốt nhất xuất hiện. Mọi nhân viên của Netflix đều có quyền đưa ra quyết định, thử nghiệm và thất bại.
“Đừng nói với nhân viên phải làm gì và biến họ thành những người máy. Hãy cho họ bối cảnh để mơ lớn, cảm hứng để suy nghĩ khác biệt và không gian để mắc sai lầm trên đường đi” là một trong những câu nói nổi tiếng của CEO Netflix.
Thực chất thì trong suốt chiều dài lịch sử của mình, chính Reed Hastings và Netflix đã có rất nhiều những thay đổi và thử nghiệm: từ mô hình kinh doanh, các sản phẩm, tính năng của nền tảng cho đến việc quan sát hành vi người dùng.
Điển hình việc thử nghiệm và sẵn sàng chấp nhận thất bại chính là việc thay đổi mô hình kinh doanh của Netflix vào năm 2009, khi tách kinh doanh đặt hàng qua điện tín ra khỏi mảng kinh doanh trực tuyến và tính phí riêng. Việc này được dự kiến sẽ mang lại tỷ lệ tăng trưởng 60% cho công ty. Tuy nhiên, người tiêu dùng và thị trường đã không ủng hộ sự đổi mới này và điều đó khiến công ty đi xuống.
“Chúng tôi bị ám ảnh về những gì đã xảy ra với Kodak và AOL, khi cả hai công ty cố gắng bám trụ ngành kinh doanh cốt lõi và bỏ qua những cơ hội lớn. Chúng tôi cho rằng, Netflix cần thay đổi nhiều hơn và điều đó đồng nghĩa với việc gia tăng những sai lầm”, Hastings nói.
Thừa nhận khoảng thời gian thay đổi đó thật khủng khiếp, tuy nhiên vị CEO Netflix vẫn tin rằng thay đổi là điều cần nghĩ đến.
Nhờ văn hóa không ngừng thử nghiệm và chấp nhận thất bại để tìm ra những phương án tốt hơn mà Netflix đã tăng trưởng với tốc độ bùng nổ và là một trường hợp nghiên cứu điển hình về văn hóa đổi mới. Dĩ nhiên, bên cạnh đó còn là sự phát triển đáng kinh ngạc để tạo ra một đế chế giải trí như hiện nay.
Tham khảo
Advertisingvietnam. Hành trình của Netflix: Từ công ty non trẻ mở đường cho “trải nghiệm điện ảnh tại nhà” đến đế chế streaming đe doạ các ông lớn Disney, HBO
Linkedin. 3-minute breakdown how Netflix data-driven culture catapulted them to success.
AI, Data & Analytics Network. Data Science at Netflix: How Advanced Data & Analytics Helps Netflix Generate Billions
Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp. Phong cách quản lý khác biệt của CEO Netflix Reed Hastings.