Page Nav

HIDE

Menu trên ngày tháng

Cách để xây dựng một game nội bộ thú vị

Như thường lệ, với một chương trình game cho Lễ tốt nghiệp, có 3 thứ mình quan tâm là đặc điểm người được tổ chức, những dấu mốc gắn bó của người đó với công ty và thông điệp gửi gắm.



Logic trong tư duy trong việc xây dựng một game nội bộ là gì? Hãy thử cùng nhà Blue C khám phá thông qua một case study cụ thể nhé.

Đề bài: Mình cần tổ chức phần game của 1 chương trình Lễ tốt nghiệp tại Blue C (Chương trình chia tay nhân viên nghỉ việc). Người được tổ chức tốt nghiệp là chị Dương - người đã có 5 năm gắn bó với Blue C (rất nhiều kỉ niệm).

Phân tích đề bài

Như thường lệ, với một chương trình game cho Lễ tốt nghiệp, có 3 thứ mình quan tâm là đặc điểm người được tổ chức, những dấu mốc gắn bó của người đó với công ty và thông điệp gửi gắm (Dĩ nhiên các yếu tố về số lượng người, độ tuổi, hay sự tham gia của mọi người vẫn theo những kiểu vốn có của Blue C).

Chị Dương là một Designer rất cầu toàn và chỉn chu trong mọi sản phẩm. Chị là một người thích sự hài hước, vui vẻ, thích thi thố và rất chi là ngầu đét. Chị cũng là “người cầm đầu” rất nhiều hoạt động ăn chơi ở Blue C.

Bên cạnh đó, mọi người trong công ty cũng làm sẵn một trang Google Site về chị Dương để tặng chị. Bây giờ, làm sao dẫn chị Dương đến món quà đó một khách tự nhiên nhất.

Giải quyết bài toán

Từ những đề bài đưa ra, mình quan tâm đến chi tiết việc chị Dương là một thành viên khá trung tâm tại Blue C. Làm Designer nên một ngày các team khác cũng tương tác với chị rất nhiều. Vì thế tên chị cũng được nhắc đến không ít.

Từ ý tưởng đó, mình quyết định chọn thông điệp là: Tên chị Dương sẽ được nhắc đến thật nhiều trong ngày hôm đó, ngày cuối cùng chị gắn bó với Blue C.

Vì chị Dương là người rất cầu toàn và chỉn chu, mình lóe lên trong đầu ý tưởng về Format: Cầm – Kỳ - Thi – Họa (Tiêu chuẩn đánh giá sự hoàn hảo).

Mình lên bản nháp cho các hoạt động dự kiến

Cầm: Hát – Hát các bài hát có từ Dương (bám theo thông điệp)

Họa: Thi ghép hình – Ghép hình Online hình ảnh chị Dương trên điện thoại, mọi người thi với nhau.

Còn lại Kỳ với Thi nếu lấy theo nguyên gốc thì sẽ khó nên mình quyết định làm những quả quay xe khiến cho mọi người bất ngờ.

Thi: Thi đấu – Các thành viên sẽ cùng nhau trả lời các câu hỏi mà trong đáp án đều phải chứa từ Dương (vẫn bám sát thông điệp)

Kỳ: Kỳ diệu – Một game câu hỏi về các dấu mốc, hình ảnh gợi nhớ đến chị Dương (bám theo thông điệp và cũng giúp giải quyết 1 trong 3 vấn đề mình quan tâm ở đầu bài).

Đến đây là cơ bản mọi thứ đã thành hình. Nhưng nếu các game tổ chức số đông như thế này thì sẽ hơi bị khó quản lý (Chỉ có 1 người). Vì thế mình quyết định chia công ty thành 2 nhóm. Và 2 nhóm này sẽ do chị Dương được quyền quyết định.

Tổ chức các Game

Chia đội

Bắt đầu chương trình, chị Dương sẽ được lần lượt chọn các đồng đội của mình (Sao cho đúng 50% số người tham gia), với gợi ý là “những người sẽ giúp chị Dương chiến thắng để giành về phần quà”. Chắc các bạn vẫn nhớ phần quà là trang Google Site ở trên chứ?

Với 4 trò chơi, mình sẽ cắt QR CODE của trang thành 4 phần, ứng với 4 trò chơi. Nói chung là làm sao phải để team mà chị Dương lấy được đủ 4 mảnh ghép để mà quét QR CODE.

Phần chia đội này cực vui vì kiểu như chị Dương sẽ phải đấu tranh trong bài test nhân phẩm độ thân thiết và năng lực.

Thứ tự các trò chơi

Trò chơi Kỳ về các kỉ niệm chắc chắn là sẽ để ở cuối cùng rồi. Các trò ở trên thì tùy ý sắp xếp. Mình lựa chọn thứ tự là Họa – Thi – Cầm – Kỳ (Lý do là khởi đầu với 1 trò chơi đúng với từ Họa để mọi người bị lừa là sau đó sẽ là làm thơ – Thi, nhưng thực ra là không phải)

Tổ chức các trò chơi

Để khống chế số lượng và dễ quản lý, mỗi trò chơi, mỗi đội sẽ được cử từ 3-4 thành viên mà mình cho rằng thích hợp nhất với chủ đề trò chơi đó (Cầm – Kỳ - Thi – Họa). Đoạn này cũng rất thú vị vì các đội sẽ không biết khi nào bị lừa, khi nào thì đúng với chủ đề mà chọn người, nói chung cũng rất hên xui.

Họa – Game ghép hình chị Dương (mình làm trên puzzel), mỗi team cử 3 người lên, team nào cả 3 thành viên hoàn thành trước sẽ chiến thắng và có được 1 chiếc phong bì (1/4 QR CODE).

Thi – Game trả lời các câu hỏi mà đáp án có từ Dương. Cái này mình dùng theo format của gameshow Đối mặt trên VTV3 ngày xưa. Lần lượt các thành viên sẽ trả lời đến khi tìm ra người chiến thắng cuối cùng. Mình chuẩn bị 60 câu hỏi (vì sợ mọi người giỏi quá, mà cuối cùng dùng không hết). Mức độ khó tăng dần. Ban đầu sẽ là những khái niệm quen thuộc (Đại dương, dương tính, cực dương, dương gian, linh dương, Cầu Chương Dương, dương liễu, Dương Quá…), sau đó sẽ khó lên và loại dần bằng những câu hỏi liên quan đến KOLs, nhân vật lịch sử (Lê Dương Bảo Lâm, Ninh Dương Lan Ngọc, Dương Vân Nga) hay các tỉnh (Bình Dương, Hải Dương), các con đường (Dương Quảng Hàm, Dương Đình Nghệ)… Thực ra cái hay của trò này là có câu người này biết thì người kia lại không biết, và quan trọng là vẫn theo thông điệp ban đầu là tên chị Dương được nhắc đến nhiều lần. Trò này công ty mình được quả cười đau cả bụng

Cầm – Game này thì chỉ đơn giản là hát lần lượt thôi. Có thể ra các điều kiện phụ như múa phụ họa, hát to để được thêm điểm.

Kỳ - Game này thì theo kiểu Đuổi hình bắt chữ + Suy luận. Từ những dữ kiện đưa ra để gắn vào một sự kiện, thứ gì đó liên quan đến chị Dương. Trò này cơ bản đã nhắc lại hành trình 5 năm của chị ở Blue C.

Linh hoạt trong xử lý tình huống

Có thể có người sẽ hỏi, sẽ ra sao nếu đội chị Dương không thu thập đủ cả 5 mảnh ghép. Điều này cũng dễ xảy ra, nhưng mà có rất nhiều cách để xử lý. Cách mình đã sử dụng là đội chị Dương sẽ phải cùng nhau nhảy một động tác ngắn trên Tiktok để lấy lại các mảnh ghép. Cũng có thể thay bằng hát, mua hay đại loại là một thử thách nào đó. Đoạn này cũng sẽ cực nhiều tiếng cười.

Key Moment

Cũng không hẳn là một Key Moment gì đó to tát, khoảnh khắc xúc động nhất sẽ là chị Dương ghép được 4 mảnh của QR CODE để mở ra trang Google Site về chính bản thân mình (Chị Dương không hề biết trước). Tài nguyên trên đó sẽ là toàn bộ những hình ảnh, video, câu chuyện, kỉ niệm của nhân vật, được thực hiện bởi tất cả các anh chị em trong công ty. Mọi người thích đưa gì cũng được, miễn là liên quan đến nhân vật chính bằng đủ các thể loại: thơ, ca, hò, vè, kể chuyện diễn cảm. Ngoài ra còn có Timeline hành trình của nhân viên ở Blue C.

Vì trong chương trình chắc chắn sẽ có những phút lắng đọng, nên mình quyết định là trong lúc chơi Game chỉ để cho mọi người cười thật nhiều.

Hè hè, đó là cách mình xây dựng một game nội bộ cụ thể ở Blue C và mình nghĩ là nó rất thành công (thông quan phản ứng của mọi người tham gia). Hy vọng nó sẽ là giúp được mọi người điều gì đó trong việc nghĩ game nhé. Lắm lúc nghĩ game thôi mà cũng bạc cả đầu ấy.

Quảng cáo dưới